Tiềm năng thị trường du học sau đại học
Báo cáo Xu hướng chính tại Đông Nam Á năm 2024 mới nhất của Acumen dẫn thống kê của UNESCO cho thấy, Việt Nam có hơn 132.000 du học sinh năm học 2021 - 2022, nhiều nhất Đông Nam Á. Theo sau là Malaysia và Indonesia, mỗi nước có hơn 56.000 du học sinh, còn Thái Lan chỉ 32.000 người.
Bà Myleeta Aga Williams, CEO International của upGrad, một nền tảng giáo dục đến từ Ấn Độ đánh giá, thị trường giáo dục tại Việt Nam là rất lớn với hơn 100 triệu dân số. Trong đó, người làm việc và bắt đầu làm việc rất nhiều, cơ cấu dân số cũng trẻ nên tiềm năng về học tập, trau dồi kiến thức sau đại học rất rộng mở. Chính vì vậy, rất nhiều trường đại học ở các nước trên toàn cầu đều nhắm đến Việt Nam để tuyển sinh với nhiều chương trình học bổng ưu đãi hấp dẫn.
Trước đây, các nước được nhiều lựa chọn du học chủ yếu Mỹ, Úc, Canada vì lợi thế tiếng Anh giúp sinh viên có nhiều cơ hội cạnh tranh việc làm. Tuy nhiên, khi sức mạnh kinh tế toàn cầu dần chuyển dịch về phương Đông, những "điểm đến" ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đang càng ngày thu hút học sinh Việt.
Theo thống kê của Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Giáo dục và đào tạo), hiện Việt Nam đứng hàng đầu về số du học sinh tại các quốc gia, vùng lãnh thổ như Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Mỹ... Dữ liệu trên cho thấy, Việt Nam đang là điểm "nóng" tuyển sinh đối với những tổ chức giáo dục trên toàn cầu.
Ông Vũ Lê, Country Head tại upGrad Việt Nam cho biết, hiện nay, những ngành học sau đại học mà các du học sinh đăng ký thường là quản trị kinh doanh, công nghệ và dữ liệu, quản lý khách sạn, designvà digital marketing. Trong đó, ngành Tiến sĩ kinh doanh được nhiều người lựa chọn để thăng tiến trong công việc tại Việt Nam.
Các báo cáo nghiên cứu của HSBC, Ngân hàng Thế giới nhận định, sở dĩ du học sau đại học trở thành xu hướng mới là do chủ yếu đến từ tâm lý của phụ huynh cũng như sự phát triển chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, lý do chính vẫn là gia đình Việt luôn dành mối quan tâm hàng đầu đến giáo dục. Công bố mới nhất của Ngân hàng Thế giới năm 2023, Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất đã chuyển mình thành nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ sau một thế hệ, kéo theo sự mở rộng của tầng lớp trung lưu. Thực tế trên cùng quyết định tăng học phí của nhiều trường đại học tại Việt Nam trong thời gian qua và sắp tới khiến nhiều gia đình cân nhắc chọn các tổ chức giáo dục ở nước ngoài thay vì trong nước.
Một nghiên cứu của tổ chức giáo dục INTO cũng chỉ ra, với 1.000 sinh viên Gen Z và 500 phụ huynh tại Việt Nam, ưu tiên hàng đầu của du học sinh Việt khi cân nhắc chọn đại học và sau đại học ở nước ngoài là cải thiện năng lực tiếng Anh và nâng cao triển vọng nghề nghiệp.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện đi du học với chi phí đắt đỏ, bao gồm chi phí học và sinh hoạt phí tại nước sở tại. Chưa kể, còn rất nhiều người Việt Nam đang có công việc, có gia đình cũng muốn học lên cao, được cấp bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ quốc tế nhằm phục vụ việc thăng chức hoặc chuyển đổi ngành nghề… Do đó, bài toán lựa chọn du học tại chỗ hay du học tại các nước sở tại đang được nhiều người tính toán.
Du học tại chỗ tiết kệm hơn 70% chi phí
Bà Myleeta Aga Williams cho biết: “Nhận thấy có rất nhiều người vừa muốn học vừa đi làm, do đó upGrad đẩy mạnh phát triển học online nhưng vẫn nhận được đúng văn bằng đó ở nước ngoài với giá tiết kiệm đến gần 70%”.
Theo bà Myleeta, upGrad đã trở thành một "kỳ lân" trong ngành giáo dục và nền tảng giáo dục trực tuyến đầu tiên không chỉ ở Việt Nam mà cả ở Đông Nam Á. Vào tháng 8/2021, công ty nhận được khoản đầu tư lớn với 185 triệu USD, đưa giá trị của nó lên 1,2 tỷ USD, trở thành "kỳ lân" thứ 21 của Ấn Độ. Đến nay, upGrad đã phát triển mạnh mẽ với hơn 3 triệu học viên và hơn 300 trường đại học đối tác trên toàn thế giới. Số liệu từ upGrad cũng cho thấy, upGrad Holdings (quản lý upGrad Ấn Độ và upGrad International) đang được định giá hơn 3 tỷ USD, tổng vốn kêu gọi lên đến 400 triệu USD.
Mặc dù mới gia nhập thị trường Việt Nam được gần 2 năm nhưng đã có hơn 700 học viên đăng ký học du học online, phần lớn là bằng cấp Tiến sĩ. “Điều này khẳng định, việc đầu tư vào giáo dục để nâng cao kiến thức, kỹ năng sau đại học và sau khi đi làm với bằng cấp quốc tế chính thống tại Việt Nam rất lớn, bởi việc sắp xếp thời gian vừa đi làm, vừa “du học” tại chỗ với thời gian hợp lý, linh động mà chi phí thấp luôn được nhiều người quan tâm. Ngoài ra, nếu học viên muốn du học tại sở tại sau 1 năm học online vẫn có thể được”, ông Vũ Lê chia sẻ.
Không chỉ nền tảng giáo dục upGrade cung cấp du học online sau đại học, nhiều trường đại học tại Việt Nam cũng nắm bắt xu hướng này tổ chức nhiều ngành học có liên kết với các trường quốc tế để sinh viên có thể học Việt Nam lấy bằng quốc tế. Đây là hình thức du học tại chỗ theo diện liên kết quốc tế đang được các phụ huynh học sinh quan tâm nhất hiện nay. Theo khảo sát của tổ chức Acumen năm 2023 vừa qua, với trên 1.000 phụ huynh tham gia khảo sát, 85% cho biết họ sẵn sàng cho con đăng ký các chương trình liên kết quốc tế, trong khi đó chỉ 34% kỳ vọng sẽ cho con học chương trình Việt Nam tại trường đại họcViệt Nam.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, năm 2023, Việt Nam đã liên kết đào tạo giáo dục với hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, top 5 quốc gia phải kể đến tên là Vương quốc Anh, Mỹ, Pháp, Australia và Hàn Quốc. Đồng thời, có hơn 600 chương trình liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam với các cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài.
Báo cáo "Hướng tới môi trường giáo dục quốc tế cạnh tranh hơn tại Việt Nam" do Hội đồng Anh thực hiện mới đây, Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những thị trường giáo dục xuyên quốc gia (Transnational Education - TNE) lớn thứ 3 ở Đông Nam Á đối với Vương quốc Anh khi có hơn 7.000 sinh viên theo học. Xét tỷ trọng các chương trình đào tạo liên kết nước ngoài trong từng lĩnh vực, hơn 60% tập trung ở khối ngành kinh tế, quản lý; 25% là các chương trình liên quan đến lĩnh vực khoa học công nghệ; chưa tới 10% là lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, còn lại là các lĩnh vực khác.
Tiến sĩ Đồng Xuân Đảm, Viện trưởng Viện Đào tạo Quốc tế Trường Đại học Phenikaa đánh giá, hợp tác quốc tế trong đào tạo đang được nhiều trường đại học Việt Nam xem là hướng đi tất yếu trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Hoạt động hợp tác quốc tế, trong đó có liên kết đào tạo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam, cho phép các trường đại học Việt Nam tiếp cận được với công nghệ đào tạo và quản lý đào tạo tiên tiến, nâng cao năng lực nghiên cứu và đào tạo từ đó mở rộng cơ hội tiếp cận với những dịch vụ giáo dục quốc tế, chất lượng cao cho người học Việt Nam với chi phí hợp lý. Sinh viên theo học những chương trình quốc tế sẽ phát triển đồng thời năng lực chuyên môn và năng lực sử dụng ngoại ngữ phục vụ công việc trong tương lai.