Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh luôn mong muốn giảm dần và đi đến xóa lớp ghép, tuy nhiên, hiện các lớp học này vẫn phải tồn tại thêm một thời gian nữa để tạo thuận lợi cho các học sinh được tham gia học tập.
Nhiều lớp học ghép
Trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn duy trì trên 100 trường Tiểu học dạy học lớp ghép rải đều ở 10 huyện với hơn 300 lớp ghép và trên 2.000 học sinh. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương dồn, nhập điểm trường để thực hiện rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục, số lượng lớp ghép đã giảm dần. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lạng Sơn Hoàng Quốc Tuấn, năm học 2021-2022, tỉnh có 79 trường dạy học lớp ghép tại 135 điểm trường, với 204 lớp ghép.
Toàn tỉnh Lạng Sơn có 249 giáo viên làm công tác chủ nhiệm và giảng dạy của các lớp ghép. Các thầy cô cơ bản là giáo viên lâu năm, cắm bản, trình độ năng lực không đồng đều, do đó, ở một số lớp ghép, chất lượng chưa được cao; trong khi đó lại không được trao đổi về phương pháp dạy học do không có đồng nghiệp tại điểm trường. Chế độ chính sách đối với giáo viên dạy học lớp ghép tuy đã được Nhà nước quan tâm nhưng chưa tương xứng với trách nhiệm và mức độ công việc. Học sinh học tại lớp ghép chưa được hưởng chế độ gì khác so với học sinh lớp đơn ở vùng dân tộc, vùng kinh tế-xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học còn thiếu thốn, chỉ đáp ứng được tối thiểu việc dạy và học hiện nay…
Cô Sầm Thị Phương Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Tri Phương, huyện Tràng Định chia sẻ, trường có một điểm trường chính và hai điểm trường lẻ, trong đó điểm trường Lũng S làng có hai lớp ghép với tổng số 17 học sinh đều là dân tộc Dao. Học sinh ở điểm trường này đời sống còn gặp nhiều khó khăn, đường đi vào điểm trường có 3km đường nhỏ hẹp, một bên là vực, một bên là vách đá. Vì vậy, việc huy động học sinh từ điểm trường Lũng S làng ra trường chính cách đó 8 km nữa để xóa điểm trường này chưa thể thực hiện được.
Theo cô Lương Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Nhất Hoà, huyện Bắc Sơn, Trường có một trường chính và sáu điểm trường lẻ với tổng số 23 lớp, 344 học sinh (trong đó 98,5% là người dân tộc thiểu số) có 10 lớp ghép (9 lớp ghép 2 trình độ, 1 lớp ghép 3 trình độ). Số học sinh lớp ghép có những lớp vượt quá quy định nên thầy cô vất vả hơn, không có nhiều thời gian cho học sinh do phải di chuyển linh hoạt giữa 2 hoặc 3 trình độ của 2 đến 3 lớp. Đồng thời, học sinh các lớp ghép chịu thiệt thòi vì không được thầy cô kèm cặp nhiều, đặc biệt là đối với học sinh đầu cấp là lớp 1, lớp 2. Do nhiều độ tuổi, nhiều trình độ ngồi học trong cùng một lớp nên đôi khi các em mất tập trung vào bài học.
Cô Hằng cùng các thầy cô, học sinh của Trường mong muốn cấp trên phân bổ biên chế để xóa các lớp ghép, đặc biệt là các lớp ghép học sinh học chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018.
Bảo đảm chất lượng dạy học tại các lớp ghép
Việc phải tổ chức lớp ghép là tình thế bắt buộc, học sinh tiếp thu kiến thức không bằng học sinh lớp thường, mặc dù thầy, cô giáo cũng đã có nhiều biện pháp giảng dạy. Trước tình trạng này, Sở đã chỉ đạo các trường Tiểu học có các lớp ghép ở các điểm trường bổ sung thêm bảng và sắp xếp bàn ghế cho phù hợp; cố gắng trong lớp ghép chỉ bố trí 2 độ tuổi và lệch nhau, mỗi độ tuổi quay sang một phía trong lớp, tránh không ghép trình độ quá gần nhau.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã hướng dẫn các Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường giao trách nhiệm cho giáo viên trực tiếp dạy học lớp ghép căn cứ vào chương trình các môn học đã quy định lập kế hoạch dạy học cho cả năm, mỗi học kỳ, từng tháng, từng tuần học phù hợp với các nhóm trình độ, phù hợp với đối tượng học sinh, bảo đảm cuối năm học tất cả học sinh trong mỗi lớp đạt yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng.
Các giáo viên dạy học lớp ghép phối hợp linh hoạt các hình thức tổ chức dạy học trong mỗi buổi học: dạy học chung cả lớp, dạy học riêng từng nhóm trình độ, dạy học cho mỗi cá nhân học sinh. Đồng thời, phân bổ thời gian làm việc với các nhóm trình độ trong từng tiết học một cách hợp lý nhất nhằm đảm bảo thời lượng thực học hiệu quả trong mỗi tiết học cho tất cả học sinh. Giáo viên tích cực sử dụng phiếu giao việc trong quá trình dạy học để phát huy khả năng học tập độc lập và hợp tác nhóm của học sinh; tăng cường khả năng hỗ trợ lẫn nhau giữa học sinh của các nhóm trình độ.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, những năm gần đây, mỗi năm tỉnh có thêm 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu hết năm 2022 nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 85 xã. Hy vọng rằng trong tương lai không xa, 200 đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Lạng Sơn sẽ đều đạt nông thôn mới. Kinh tế - xã hội của các xã này sẽ phát triển hơn, trong đó tiêu chí về giáo dục sẽ được đẩy mạnh, Lạng Sơn sẽ sớm xóa được các lớp ghép.