Chỉ cần một cú nhấp chuột liên quan đến từ khóa “luyện thi đánh giá năng lực” trên mạng Internet, các thí sinh sẽ dễ dàng tìm thấy hàng triệu kết quả được đưa ra. Trong đó, chiếm phần lớn là thông tin về các dịch vụ luyện thi cấp tốc, bán đề và thi thử đánh giá năng lực được quảng cáo rầm rộ. Mỗi khóa luyện thi đánh giá năng lực như vậy có mức học phí từ 1 triệu đến gần 3 triệu đồng, tiền tài liệu từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng, tùy số lượng môn.
Đơn cử như khóa học ôn luyện thi Đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trên hệ thống Giáo dục "Hocmai" hứa hẹn sẽ cung cấp cho học sinh bài giảng của 8 thầy, cô với mức học phí là 2,9 triệu đồng/gói, gói luyện đề thi có mức học phí 1,9 triệu đồng/khoá. Hệ thống này cũng tổ chức khoá luyện thi cấp tốc 90 ngày cho kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội với mức học phí 1,2 triệu đồng.
Trong khi đó, trung tâm Luyện thi Marathon Eduacatione đưa ra chương trình cấp tốc luyện thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2022 với cam kết hoàn tiền nếu không đạt 800 điểm. Nhiều lời quảng cáo hấp dẫn người học như: “ngân hàng đề khổng lồ”, “phương pháp ôn thi hiệu quả”, “nhân đôi cơ hội vào đại học” được đơn vị này đặt trên trang chủ để thu hút học sinh. Mức học phí 1,6 triệu đồng cho 13 buổi trực tuyến (90 phút/buổi), có thể xem lại bài học.
Trên các trang mạng xã hội, mà phổ biến nhất là Facebook, ngay khi vừa kết thúc thời gian đăng ký dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, hàng chục trang luyện thi, ôn thi, cung cấp đề thi đánh giá năng lực đã nhanh chóng được lập ra với những cái tên mang tính chất thu hút người học như: “Luyện thi đánh giá năng lực 2022 Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh”, “Khoá luyện thi đánh giá năng lực 900+”, “Luyện thi cấp tốc đánh giá năng lực 2022”… Các trang này đều có số lượng thành viên lên đến hàng trăm nghìn người.
Ngoài ra, nhiều trang luyện thi còn tổ chức thi thử online cho học viên đã mua bộ tài liệu ôn thi, thu hút đông đảo học sinh tham gia. Các trang này mời gọi học sinh bằng cách gửi trước một vài đề miễn phí và yêu cầu học sinh phải trả phí mua các khoá học để có thể ôn luyện tiếp, với lời hứa hẹn có các giáo viên kỳ cựu, thầy cô giàu kinh nghiệm, giảng viên các trường đại học đã từng tham gia nghiên cứu, biên soạn đề thi đánh giá năng lực từ năm 2014 đến nay trực tiếp giảng dạy để tăng mức độ tin cậy đối với các học viên.
Đáng lo ngại nhất, để thu hút học viên, nhiều trang luyện thi còn đăng tải miễn phí bộ đề được cho là đề thi chính thức năm 2019 như một ưu đãi cho khoá học của mình. Theo quy tắc bảo mật của kỳ thi thì điều này là không thể vì tất cả đề thi, giấy nháp đều được thu lại sau khi thí sinh hoàn thành bài thi.
Liên quan đến việc nhiều lời mời gọi luyện thi đánh giá năng lực trên mạng xã hội, ông Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh không tổ chức luyện thi đánh giá năng lực. Trong mỗi đợt thi các năm trước, không thí sinh nào được phép mang đề thi ra khỏi phòng thi. Mỗi năm Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chỉ công bố đề thi mẫu minh họa đánh giá năng lực. Do vậy, thí sinh cần tham khảo những thông tin chính thống.
Theo ông Nguyễn Quốc Chính, ngân hàng câu hỏi của kỳ thi đánh giá năng lực lên đến hơn chục nghìn câu, kiến thức trải rộng thì không một trung tâm luyện thi nào có thể bao quát nổi. Hơn nữa, đề thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh có độ khó nhất định với mục tiêu để tìm kiếm những thí sinh có năng lực thật và định hướng học tập một cách đúng đắn, khoa học chứ không phải học “vẹt”, học nhồi nhét. Cách để đạt kết quả tốt nhất là học sinh cần có năng lực thật và tập trung học để nâng cao năng lực đó trong suốt quá trình chứ không phải là luyện thi, học “tủ” để có điểm thi cao.
“Lời khuyên là thí sinh không cần tham gia các khoá luyện thi đang được quảng cáo ở khắp nơi mà nên tự ôn luyện năng lực chung của mình. Bài thi sẽ gồm 120 câu trắc nghiệm hỏi rất tổng quát về khả năng hệ thống hoá, khả năng xử lý số liệu, xử lý vấn đề… của thí sinh, muốn làm tốt thì phải học thật đều, nắm thật vững kiến thức các môn học của chương trình cấp 3 chứ không thể học kiểu ‘trúng tủ’ được”, ông Nguyễn Quốc Chính chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Chính cho biết, điều các thí sinh cần làm hiện nay là sau khi đã được xác nhận đăng ký và thanh toán lệ phí thi thì cần phải đăng nhập ngay vào tài khoản dự thi để kiểm tra tình trạng xác nhận đã thanh toán thành công hay chưa tại mục nhật ký thanh toán. Trong trường hợp sai tên đơn vị hưởng, dư, thiếu tiền hoặc sai sót trong thông tin tài khoản họ tên, ngày tháng năm sinh, quê quán, chứng minh nhân dân/căn cước công dân, khu vực ưu tiên... , thí sinh cần sớm gửi email cho đơn vị tổ chức để hỗ trợ chỉnh sửa.
Dự kiến từ ngày 19-20/3, thí sinh quay lại tài khoản để in giấy báo dự thi. Thí sinh xem và in giấy báo dự thi mang theo đi thi cùng chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu bản gốc. Liên quan đến nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thí sinh cần đợi đến ngày 5/4 để chỉnh sửa, thêm, đổi thứ tự, đăng ký nguyện vọng.
Kỳ thi đánh giá năng lực là một trong các hình thức xét tuyển đại học chiếm tỉ lệ cao trong tổng số chỉ tiêu hiện nay, được nhiều trường đại học tại TP Hồ Chí Minh (cả các trường đại học thành viên và một số trường ngoài hệ thống Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) tin cậy sử dụng làm căn cứ xét tuyển. Tính chất quan trọng của kỳ thi dẫn đến nhu cầu ôn luyện của thí sinh ngày càng cao. Năm nay, số lượng thí sinh đăng ký dự thi đợt 1 của thành phố lên đến gần 85.000 em, đây là mức tăng vọt kỷ lục so với tổng số 5.000 thí sinh trong kỳ thi đầu tiên được tổ chức vào năm 2018.