Cụ thể, một số phụ huynh tại Trường Tiểu học Hùng Vương (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy) phản ánh, ngoài các khoản thu học phí và bảo hiểm, phụ huynh còn phải đóng thêm Quỹ hội phụ huynh 150.000 đồng, quỹ lớp 200.000 đồng, tiền đồ dùng bán trú 110.000 đồng, tiền photo 50.000 đồng, tiền vệ sinh 126.000 đồng/học sinh… Đặc biệt, phải đóng tiền xã hội hóa 300.000 đồng/học sinh, dù nhiều phụ huynh không đồng ý.
Tương tự, tại Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở Lê Quý Đôn (thị trấn Sa Thầy), một số phụ huynh cũng cho biết, bên cạnh các khoản đóng học phí, tiền dịch vụ bán trú, mỗi phụ huynh nộp tiền quỹ lớp là 250.000 đồng, quỹ hội 200.000 đồng và vận động tài trợ 200.000 đồng theo hình thức tự nguyện.
Theo bà Rơ Chăm Lan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sa Thầy, sau khi nhận được văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân huyện đang khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra để tiến hành rà soát các thông tin, nội dung theo yêu cầu của Sở, sớm có kết luận để xử lý vụ việc.
Trước đó, để chuẩn bị cho năm học 2022 - 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum đã có văn bản số 3234/UBND-KGVX về việc tăng cường điều kiện đảm bảo thực hiện hiệu quả chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố “Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra, thanh tra các cơ sở giáo dục về việc thực hiện các quy định về quản lý thu, chi tài chính, các khoản thu trong trường học, đảm bảo công khai, minh bạch, tạo sự đồng thuận giữa nhà trường, đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức và cha mẹ học sinh đối với các khoản thu dịch vụ phục vụ hỗ trợ theo quy định hiện hành trong phạm vi quản lý, tuyệt đối không để phát sinh các khoản thu ngoài quy định, gây bức xúc trong cha mẹ học sinh và xã hội; xử lý nghiêm trách nhiệm hiệu trưởng nhà trường để xảy ra tình trạng lạm thu cũng như thu chi không đúng quy định…”.