Không còn xếp loại khá, giỏi, liệu có đánh giá sát học sinh?

Theo cách đánh giá mà Bộ Giáo dục (GD - ĐT) vừa ban hành, học sinh tiểu học chỉ xếp một trong hai mức: Hoàn thành hoặc chưa hoàn thành. Cách làm này có ưu điểm giảm áp lực cho học sinh, nhưng lại khiến không ít giáo viên, phụ huynh học sinh lo lắng rằng như vậy sẽ không thể đánh giá sát học sinh.

Bộ GD - ĐT vừa có văn bản gửi các Sở GD-ĐT hướng dẫn về công tác đánh giá cuối học kỳ và khen thưởng học sinh tiểu học theo Thông tư 30/2014/TT- BGDĐT. Kết quả đánh giá căn cứ vào quá trình học tập và tham gia các hoạt động giáo dục, những đặc điểm nổi bật, sự tiến bộ, hạn chế… và xếp loại theo một trong hai mức: Hoàn thành hoặc chưa hoàn thành. Như vậy, sẽ không còn việc đánh giá, khen thưởng học sinh với các mức giỏi, khá…

Thực tế, quy định này vẫn chưa triển khai đồng đều tại các cơ sở giáo dục. Chị Phạm Mai (phường Tân Lập, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) cho biết: “Tôi vừa đi họp phụ huynh cho con khi kết thúc học kỳ I. Cháu vẫn đạt danh hiệu học sinh giỏi”. Về quy định không xếp loại, theo chị Mai nói, trường tiểu học con chị đang theo học, gần như chưa có sự thay đổi nào.

Giáo viên, phụ huynh đều băn khoăn liệu không còn xếp loại khá, khá giỏi thì đánh giá mới có sát với năng lực học sinh. Ảnh: gdtd.vn.


Cách đánh giá học sinh vẫn theo điểm. “Trước đây, cô giáo chủ nhiệm từng nói đến việc không chấm điểm, bây giờ là không xếp loại, nhưng đa số phụ huynh đều không đồng tình hình thức này. Nếu không xếp loại thì sẽ không tạo sự phấn đấu, điều này dễ làm trẻ chểnh mảng, không chú tâm”.

Về thực tế này, cô Ngọc Thanh, một giáo viên trường tiểu học quận Cầu Giấy (Hà Nội) băn khoăn: “Đến nay, tôi đã hoàn thành việc đánh giá xếp loại học sinh trong lớp và vẫn theo hình thức chấm điểm cuối kỳ. Mặc dù có nghe đến việc không xếp loại học sinh, nhưng không có văn bản hướng dẫn để thực hiện”.

Theo cô Thanh, Thông tư 30 về việc không chấm điểm đối với học sinh tiểu học, bên cạnh ưu điểm giảm áp lực cho học sinh, thì còn nhiều vấn đề khiến phụ huynh băn khoăn. “Không ít phụ huynh gặp riêng tôi đề nghị được giao bài tập thêm về nhà cho các cháu và đề nghị phải chấm điểm cho từng bài, để họ tiện theo dõi con. Khi nghe giải thích về việc không chấm điểm và không đánh giá xếp loại cuối kỳ, hầu hết đều phản ứng.

Đặc biệt, khi biết con mình được điểm 9, 10 cũng như bạn 7, 8 được đánh giá chung là “hoàn thành”, thì rất nhiều ý kiến khác nhau, cho rằng cách “cào bằng” như vậy sẽ không tạo môi trường cạnh tranh trong giáo dục. Chính vì vậy, giáo viên rất khó xử”.

Một giáo viên (xin giấu tên), trường tiểu học Thăng Long Kidmart (khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, nếu buông lỏng việc đánh giá như bậc tiểu học đang làm, thì sẽ rất khó khăn cho học sinh khi chuyển cấp. Chương trình bậc THCS vẫn là theo hình thức chấm điểm và học sinh trải qua khá nhiều kỳ thi khác nhau, vì vậy, nếu từ cách đánh giá mới như bậc tiểu học hiện nay đang áp dụng mà lên cấp II, học sinh rất dễ bị sốc và khó bắt nhịp.

Theo ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD- ĐT, mục đích cuối cùng của việc đổi mới đánh giá này là vì sự tiến bộ của học sinh, nhằm giúp các em học được và học tốt. Cụ thể, các trường thực hiện việc kiểm tra định kỳ theo thời khóa biểu vào buổi học chính khóa, không gây áp lực, lo lắng, băn khoăn cho học sinh và cha mẹ học sinh.

Bài kiểm tra này sẽ được chấm điểm, thay vì chỉ nhận xét như các bài thường xuyên. Tuy nhiên, điểm số không dùng để xếp loại hay so sánh giữa các học sinh, mà chủ yếu để giáo viên, phụ huynh kiểm chứng lại việc nhận xét, đánh giá thường xuyên trong quá trình học tập của các em. Nếu kết quả bài kiểm tra định kỳ chưa phù hợp với các nhận xét, đánh giá thường xuyên, giáo viên cần xem xét, tìm hiểu nguyên nhân để có thể điều chỉnh cách dạy, cách hướng dẫn, giúp đỡ học sinh.


Lê Vân
Đánh giá học sinh tiểu học vẫn lúng túng
Đánh giá học sinh tiểu học vẫn lúng túng

Các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức áp dụng việc đánh giá học sinh theo Thông tư 30 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, giáo viên sẽ không chấm điểm cho học sinh, mà nhận xét, đánh giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN