Tại buổi tọa đàm, hơn 20 lượt ý kiến của sinh viên tập trung vào các nội dung: Chính sách hỗ trợ đối với dự án khởi nghiệp dành cho sinh viên; các bước lập dự án khởi nghiệp; đối thủ cạnh tranh đối với mô hình, sản phẩm; những nguyên nhân dẫn đến thất bại và làm gì để vượt qua thất bại trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...
Em Nguyễn Thảo Hiền, sinh viên ngành Du lịch, Trường Cao đẳng Kiên Giang cho biết mình sinh ra và lớn lên ở xóm lò, xã Nam Thái, huyện Hòn Đất. Nơi đây có nghề truyền thống làm các sản phẩm phục vụ nấu nướng bằng đất nung hơn 100 năm qua nhưng địa phương chưa khai thác phát triển du lịch. Vì vậy, em có ý tưởng khởi nghiệp với dự án phát triển du lịch gắn với sản phẩm làng nghề truyền thống này. Tuy nhiên, do chưa được trải nghiệm thực tế, kiến thức còn hạn hẹp nên ý tưởng của Hiền vẫn còn ấp ủ.
Trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Vina Phú Quốc, Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Kiên Giang, Phó chủ tịch Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang cho rằng, ý tưởng khởi nghiệp của em Nguyễn Thảo Hiền rất hay. Bởi, tiềm năng phát triển du lịch của làng nghề truyền thống nồi đất nung ở huyện Hòn Đất hàng trăm năm qua chưa được khai thác. “Ý tưởng phát triển du lịch gắn với phát triển làng nghề nồi đất nung cũng là vấn đề ngành Du lịch tỉnh đã và đang hướng tới. Để phát triển mô hình này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Đầu tư hạ tầng, chính sách của địa phương… Vì vậy, Thảo Hiền cần tiếp tục xây dựng dự án khởi nghiệp trong khả năng của mình, hoặc có thể kêu gọi người thân, bạn bè đầu tư khởi nghiệp như: Đầu tư điểm dừng chân tham quan, mua sắm sản phẩm nồi đất nung gắn với phục vụ ẩm thực đặc sản của địa phương; xây dựng chiến lược quảng bá giới thiệu sản phẩm, mô hình du lịch…”, ông Nguyễn Vũ Khắc Huy chia sẻ.
Tại buổi tập huấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trên 200 sinh viên Trường Cao đẳng nghề Kiên Giang được nghe đại diện một số tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng trao đổi nhiều nội dung như: Kỹ năng làm việc nhóm trong giai đoạn thành lập và phát triển dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; tổng quan về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phương pháp xây dựng ý tưởng, viết thuyết minh dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; một số kỹ năng cơ bản trong xây dựng và phát triển dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tìm ý tưởng và viết thuyết minh dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ngoài ra, ban tổ chức còn tổ chức cuộc thi thử và khen thưởng về nội dung khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (mô phỏng cuộc thi/hội thi trong thực tế).
Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, Chủ tịch Hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh đang được hình thành. Để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái này, hàng năm Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sự kiện về khởi nghiệp cho các đối tượng. Giai đoạn 2018 đến nay, các chương trình đã hỗ trợ gần 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hơn 30 dự án tốt nghiệp từ chương trình ươm tạo… Tỉnh đã tổ chức các cuộc thi: Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sáng tạo trẻ, Ngày hội khởi nghiệp... thu hút hơn 200 dự án tham gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với nhiều người, nhất là thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Nhiều thanh niên có ý tưởng tốt nhưng chưa thể biến thành hiện thực. Nhiều đề án, dự án còn dở dang; nhiều sản phẩm chưa được thương mại hóa. Nhiều hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chỉ mang tính thời điểm. Các tổ chức hỗ trợ ngày càng nhiều nhưng chất lượng không tương xứng. Mạng lưới hỗ trợ đơn lẻ và rời rạc; chưa kết nối được dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư.
Để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Niệm, cần tạo lập môi trường tương tác, có chính sách ươm mầm phát triển khởi nghiệp, nhất là về vấn vốn hỗ trợ cho các dự án; tăng cường tư vấn về bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, pháp lý, tiếp cận thông tin; trang bị kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành, xây dựng thương hiệu cho người có nhu cầu khởi nghiệp. Địa phương đẩy mạnh kết nối giữa tổ chức, cá nhân làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp với mạng lưới từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao cơ hội tiếp thu tri thức mới về khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng.