Các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh mở cửa đón học sinh trở lại phải đạt mức an toàn rất cao theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trường học và phải có kế hoạch, phương án chống dịch được Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 cấp huyện phê duyệt. Người tham gia giảng dạy, làm việc và học tập tại các cơ sở giáo dục đã tiêm 2 mũi vaccine phòng COVID-19 sau 14 ngày hoặc là F0 đã khỏi bệnh, người không thể tiêm vaccine do chống chỉ định.
Các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh phải tổ chức lớp học giãn cách tối đa có thể, dạy học nhiều ca/ngày. Lãnh đạo nhà trường, cơ sở giáo dục chủ động sắp xếp, bố trí một (hoặc một số) khối lớp học buổi sáng, các khối lớp còn lại học buổi chiều (hoặc buổi tối đối với các trung tâm) nhằm giảm số lượng người tập trung cùng một thời điểm tại các cơ sở giáo dục. Các hoạt động sinh hoạt tập thể, nội trú, bán trú chưa được phép tổ chức.
Các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục tổ chức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, đảm bảo duy trì chất lượng giáo dục và “không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau”. Trong những ngày giáp Tết và đến trước ngày 7/2, các cơ sở giáo dục đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, vật tư y tế… để có thể đón học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết một cách an toàn và thuận lợi nhất.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí, Tiền Giang là một trong rất ít các tỉnh, thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho học sinh khối 9 và 12 đi học trực tiếp trở lại từ rất sớm (ngày 3/1). Thực tế cho thấy, sau thời gian học sinh khối lớp 9 và 12 của các trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh (cùng học sinh khối lớp 10 của huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) đến trường học trực tiếp đã được hệ thống hóa kiến thức và các trường tổ chức kỳ thi học kỳ 1 trực tiếp với kết quả khả quan.