Hoạt động trải nghiệm: Thiết thực nhưng phải an toàn

Hiện sức khỏe các học sinh Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội) nghi ngộ độc thực phẩm trong quá trình đi trải nghiệm đã cơ bản bình phục. Tuy nhiên, sự việc này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo đảm an toàn cho học sinh khi tham gia các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường.

Chú thích ảnh
Các em học sinh tham gia trải nghiệm tại Khu giáo dục “Trải nghiệm về nguồn - ATK Thủ đô gió ngàn”. Ảnh tư liệu: Thu Hằng/TTXVN

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại văn bản số 3535/BGDĐT-GDTH ban hành ngày 19/8/2019, hoạt động trải nghiệm được thực hiện từ năm học 2020 - 2021 trên cả nước, thời lượng 105 tiết/năm học. Nội dung này được thực hiện thông qua 4 loại hình hoạt động chủ yếu gồm: Sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ. Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến khích tổ chức các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường đối với cơ sở giáo dục có đủ điều kiện nhưng cần bảo đảm mục tiêu giáo dục, an toàn cho học sinh.

Ở cấp học phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã có quy định cụ thể với các trường nhằm tăng cường quản lý hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa, trong đó có hoạt động tham quan. Theo Trưởng phòng Chính trị tư tưởng và Khoa học công nghệ (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Hoàng Hữu Trung, về cơ bản, các trường học trên địa bàn thành phố đều thực hiện đúng quy trình quy định, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ở một vài nơi vẫn xảy ra rủi ro vì nhiều nguy cơ phát sinh.

Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Đào Tân Lý cho biết, nội dung hoạt động trải nghiệm cấp Tiểu học trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được các trường học trên địa bàn thành phố triển khai từ năm học 2020 - 2021 theo quy định của Bộ. Hoạt động này đã đi vào nền nếp, tạo chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục học sinh, nhất là trong việc hình thành các kỹ năng bên cạnh kiến thức trong sách giáo khoa.

Có thể thấy, ngoài các nỗi lo mỗi khi có vụ việc xảy ra thì nhiều phụ huynh và học sinh đều cho rằng, các hoạt động trải nghiệm ngoài nhà trường mang lại nhiều kiến thức thực tế. Bên cạnh đó, học sinh còn được tham quan những di tích lịch sử, làng nghề, tìm hiểu về các vị anh hùng dân tộc và hiểu hơn về lịch sử của đất nước. Điều quan trọng hơn cả mà nhiều học sinh đều thích thú, đó là qua mỗi chuyến đi, các em hiểu thêm về bạn bè, học được nhiều kỹ năng trong giao tiếp, hợp tác và làm việc nhóm.

Nhìn lại một số vụ việc đáng tiếc đã xảy ra trong thời gian gần đây, có nhiều nguyên nhân khiến học sinh bị tai nạn thương tích như: học sinh hiếu động, không tuân thủ quy định chung hay sự phối hợp trong quản lý, giám sát học sinh, giám sát quy trình chưa chặt chẽ... Vụ việc mới đây của Trường Tiểu học Kim Giang (quận Thanh Xuân) khiến hàng chục học sinh nhập viện nghi ngộ độc thực phẩm là một ví dụ... Như vậy, công tác bảo đảm an toàn cho học sinh trong các hoạt động ngoài nhà trường rất cần có sự chung tay, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình.

Về vấn đề này, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Nguyễn Thị Bích Nga cho biết, nhà trường luôn thực hiện đúng quy định cho học sinh đi trải nghiệm ngoài nhà trường tối đa 2 lần/năm học. Với trên 3.600 học sinh, để quản lý tốt hơn, tránh quá đông học sinh tham gia dẫn đến mất kiểm soát, nhà trường thường chia học sinh làm 2 đợt, một đợt dành cho học sinh lớp 1, 2, 3 và đợt còn lại cho học sinh lớp 4, 5. Nhà trường cũng đặc biệt quan tâm đến việc lựa chọn đơn vị có đủ hồ sơ pháp lý và năng lực, trong đó tìm hiểu kỹ về địa điểm, quy trình tổ chức, các trò chơi mà học sinh sẽ tham gia phù hợp với độ tuổi, nhận thức của các em... Những địa điểm quá xa, không phù hợp hoặc những trò chơi thiếu an toàn cho học sinh sẽ không được đưa vào chương trình. Bên cạnh đó, sau mỗi lần đưa học sinh đi trải nghiệm, nhà trường đều lắng nghe phản hồi từ các phụ huynh, giáo viên để điều chỉnh, góp ý thẳng thắn với đơn vị phối hợp tổ chức.

Đồng tình với hiệu quả của các hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh có thêm nhiều trải nghiệm học tập ở ngoài không gian lớp học, bà Lê Thị Thanh Huyền, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo (quận Thanh Xuân) cho rằng, để đảm bảo an toàn cho học sinh, trường cần xây dựng quy trình khép kín từ khi các con lên xe tới khi trở về trường; đồng thời trước đó phải công khai thông tin đầy đủ, có sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Phụ huynh cũng cần dặn dò con mình trước mỗi chuyến đi, trong đó nhấn mạnh đến vai trò của con trong các hoạt động tập thể, giúp con nhận thức rõ về trách nhiệm của bản thân.

“Học sinh thường hiếu động, nghĩ ra nhiều trò chơi mới lạ nên việc giám sát, quản lý khó có thể phó thác hoàn toàn cho nhà trường. Hơn nữa, mỗi học sinh có một đặc điểm riêng, gia đình cũng cần thông tin kỹ với giáo viên nếu con có những điều cần lưu ý về sức khỏe hoặc tính cách”, bà Lê Thị Thanh Huyền nói.

Liên quan đến nội dung này, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khuyến cáo các trường không nên đưa học sinh đi quá xa. Việc xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ chính khóa của trường cần bảo đảm hiệu quả giáo dục, có sự đồng thuận của phụ huynh và an toàn tuyệt đối cho học sinh. Hiệu trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Giám đốc Sở, tập thể nhà trường và cha mẹ học sinh về việc triển khai hoạt động.

Nguyễn Cúc (TTXVN)
Vụ học sinh nghi bị ngộ độc sau khi đi tham quan: Đề nghị tạm dừng hoạt động bếp ăn nhà trường
Vụ học sinh nghi bị ngộ độc sau khi đi tham quan: Đề nghị tạm dừng hoạt động bếp ăn nhà trường

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội vừa có báo cáo nhanh về kết quả điều tra, xử lý sự cố tại Trường Tiểu học Kim Giang, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân khiến nhiều học sinh nhập viện do nghi bị ngộ độc thực phẩm. Chi cục đã đề nghị tạm dừng hoạt động của bếp ăn tập thể tại trường để điều tra rõ nguyên nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN