Giáo viên căng thẳng, chất lượng dạy giảmCô Hoàng Tuyết (giáo viên dạy văn trường THPT Cổ Bi, Gia Lâm) cho rằng, việc phụ huynh ứng xử quá đà trong trường học là có. Ở những nơi như công sở, công ty có quy tắc ứng xử, nhưng ở trường học chỉ có quy tắc ứng xử giữa giáo viên với học sinh và ngược lại, chưa thấy có quy tắc nào đưa ra giữa phụ huynh và giáo viên và ngược lại.
Chuyện cà vạt được đưa lên mạng xã hội facebook của một phụ huynh đã dấy lên dư luận về việc ứng xử giữa phụ huynh và nhà trường. |
“Tôi thấy đây cũng là điều rất khó, bởi từ xưa đến nay tùy vào tình huống mà giải quyết. Nhưng chắc chắn, trong môi trường sư phạm, giáo viên hoàn toàn có quyền yêu cầu phụ huynh ứng xử lành mạnh. Tuy nhiên, thường giáo viên là đối tượng dễ bị quy chụp hơn cả, bởi nếu phản ứng dễ bị ảnh hưởng đến công việc, nhất là trong những năm gần đây, dịch vụ giáo dục mọc như nấm sau mưa. Việc coi phụ huynh như một khách hàng giáo dục đã khiến mục tiêu của trường học không còn như trước nữa. Điều này người thiệt đầu tiên sẽ là học sinh, chứ không ai khác”, cô Hoàng Tuyết chia sẻ.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý học Hà Nội, mối quan hệ giữa phụ huynh và nhà trường có những nguyên tắc như: Quyền của phụ huynh được đưa ra những ý kiến chưa rõ về nhà trường; nhà trường phải giải đáp những thắc mắc này cho phụ huynh. Hai bên sẽ có những tranh luận, nhưng trên cơ sở xây dựng, tránh phát ngôn bừa bãi, nói không đúng chỗ và gây phản cảm, nhất là việc để học trò chứng kiến việc này.
Phía nhà trường phải kiên trì, thông cảm với những bức xúc của phụ huynh. Nếu những bức xúc không được giải quyết thì phải có cấp cao hơn: Phòng giáo dục, Sở GD - ĐT… tham gia để giải quyết đến cùng. Tuy nhiên, ở những khu vực giáo dục tư thục, ngoài công lập, là việc thỏa thuận giữa hai bên nên việc ứng xử này là giữa phụ huynh và nhà trường. Về lâu dài, việc tự chủ này cũng cần phải đưa vào Luật định, để không gây ảnh hưởng đến nền giáo dục nói chung.
Chưa có quy định cụ thểTrong điều lệ trường tiểu học, phổ thông, học sinh, sinh viên đều quy định rõ quy tắc ứng xử trong trường học (giữa giáo viên và học sinh), nhưng chưa có bất cứ quy định nào về ứng xử giữa phụ huynh với giáo viên. Phải chăng đã đến lúc quy tắc này cần được đưa vào điều lệ trường học?
Ông Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục nhà giáo và quản lý cán bộ, Bộ GD - ĐT, cho biết: “Ngành giáo dục chưa có một quy định cụ thể nào về cách ứng xử giữa phụ huynh với giáo viên. Mối quan hệ này vẫn chỉ là ở mức độ “tùy tình huống” để ứng xử. Lâu nay tôi cũng nhận được phản ánh từ phía giáo viên về những ý kiến không phù hợp của phụ huynh, thậm chí là xúc phạm.
Nhưng chỉ đạo chung của ngành về việc này vẫn là cần lắng nghe ý kiến và kiên trì giải thích để phụ huynh hiểu. Tuy nhiên ít nhiều những hành vi của phụ huynh có phần thái quá đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục nói chung. Thay vì tập trung sáng tạo, các giáo viên lại quanh quẩn trong những lời soi mói, xúc xiểm quá đà của phụ huynh. Ví dụ, một cô giáo mầm non chia sẻ câu chuyện thế này: Con đi học ở trường bị muỗi đốt vài nốt, việc này nhiều khi chính giáo viên cũng không thể kiểm soát được. Hôm sau, phụ huynh này lên mắng cô giáo không ra gì trước mặt chính những cháu bé đang học nói, đang tập nhận thức. Hành vi này thực sự phản cảm và khiến những đứa trẻ có cái nhìn không tốt với chính người thầy của mình. Giáo viên phần lớn sẽ lắng nghe, nhưng những xúc phạm này sẽ đeo đẳng họ mãi”.
Ông Nguyễn Hải Thập cho biết, Bộ GD - ĐT luôn nắm được những sự việc trong trường học và cách ứng xử của giáo viên từ mọi nguồn thông tin. Có tình huống nhà trường làm sai và buộc phải sửa sai. Có tình huống thì giáo viên bị thiệt thòi nhưng về cơ bản thì luôn động viên giáo viên là cần phải nhã nhặn trong mọi tình huống. Phụ huynh đến từ các tầng lớp khác nhau trong xã hội và phải đặt mình trong vai phụ huynh, đặt mình trong hoàn cảnh của họ… có như vậy mới giải quyết được vấn đề.
“Vấn đề này đã được đưa ra khi ngay từ đầu năm học có chuyện ứng xử của phụ huynh về chiếc cà vạt đăng trên mạng xã hội. Việc áp đặt từ nhà trường tới phụ huynh không phù hợp, điều này thể hiện rõ trong các văn bản, điều lệ trường học. Tuy nhiên, những vấn đề đã nêu ở trên thì đây rõ ràng là vấn đề rất lớn và những người làm quản lý như chúng tôi tiếp tục lắng nghe ý kiến từ phía giáo viên. Bên cạnh giáo dục công lập thì giáo dục phục vụ nhu cầu người dân đang là xu hướng mở. Để khẳng định được quan điểm này, chúng tôi cần có những đề đạt với lãnh đạo Bộ GD - ĐT và cần tới những hội thảo, hội nghị để lấy ý kiến nhiều nhà giáo, chuyên gia giáo dục, thì mới có thể khẳng định việc có nên đưa ra một quy tắc ứng xử giữa phụ huynh và giáo viên hay không”, ông Nguyễn Hải Thập nhấn mạnh.