Chị N. T (Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội), có con học cấp II, không khỏi bức xúc khi đi họp phụ huynh về. Những tưởng chị bức xúc với các khoản thu như thường thấy mỗi mùa tựu trường, nhưng hóa ra là vì thái độ không phải của phụ huynh.
Từ hành xử thiếu suy nghĩ
Chị N.T kể: “Cuộc họp vừa qua bao gồm phụ huynh nhiều lớp họp bàn về việc học tiếng Anh cho các con, để chuẩn bị sang năm các con sẽ học môn toán, hóa bằng tiếng Anh. Tại buổi họp, nhà trường mời trung tâm ngoại ngữ sẽ dạy các con tới trình bày với phụ huynh. Sau khi nghe nhà trường, trung tâm chia sẻ những thông tin về chương trình học, giáo viên và những cam kết về trình độ giáo viên, thì nhiều phụ huynh nhao nhao lên. Một nữ phụ huynh đứng lên nói: “Tôi học ĐH Ngoại thương, kiến thức có thừa. Tôi thấy các bạn trẻ thì cần tìm phương pháp giảng dạy sáng tạo, đừng bắt con tôi nhai lại phương pháp cũ. Tôi học Ngoại thương đấy, nhưng xin lỗi, tôi chẳng học được gì từ trường cả. Để nói được tiếng Anh, tôi phải thức đêm thức hôm, chat chit thâu đêm suốt sáng với các bạn Tây đấy... Tiền với tôi không quan trọng, 50.000 đồng/buổi chứ gì, chẳng vấn đề. Tôi mời giáo viên nước ngoài về nhà dạy cho con tôi 400.000 đồng/buổi. Căn bản nhất là con tôi học gì ở các bạn”.
Rất cần sự cư xử đúng mực trong các cuộc họp phụ huynh. |
Chị N.T cho biết: “Không chỉ những giáo viên ở trung tâm bị đưa ra mổ xẻ, mà phụ huynh này còn xúc phạm đến nhà trường khi nói tiếp: Cô hiệu trưởng và cô phó hiệu trưởng, hai cô quê Nam Định phải không? Quê các bạn nói ngọng lắm, ừ thì đất hiếu học nhưng chưa bao giờ Nam Định được coi là nơi giỏi tiếng Anh cả”.
Cũng tại cuộc họp này, một số phụ huynh còn “lên giọng”: “Tiền không thành vấn đề nhưng vấn đề là tiền tôi bỏ ra để làm gì? Con tôi học quá nhiều trung tâm, toàn các trung tâm lớn, toàn các chương trình giảng dạy tầm cỡ quốc tế nên, tôi muốn biết con tôi thu gặt được gì từ chương trình tiếng Anh mở rộng?...”.
Chị N.T đã có 5 năm làm trong ban phụ huynh của trường, chị cho rằng chuyện những phụ huynh khoe của chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng đây đó vẫn có chuyện này. Theo chị N.T, trong buổi họp, những phụ huynh này phát biểu rất hăng, nhưng khi có hoạt động gì của các con, yêu cầu sự đóng góp công sức thì tuyệt nhiên gọi không nghe máy. “Con tôi học trường công là vậy, không rõ trường tư thì ra sao. Thái độ của phụ huynh thiếu sự tôn trọng với nhà trường như vậy là không nên, nhất trong môi trường sư phạm”, chị N.T chia sẻ.
Chị Phạm Thu Trà, giảng viên ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: “Là mẹ của hai con đang học phổ thông, tôi hiểu những bức xúc của phụ huynh. Tuy nhiên, một bộ phận phụ huynh luôn tự cho mình là đúng và có những hành động thiếu văn hóa. Những phụ huynh đứng lên khoe mẽ, khoe của liệu rằng họ có biết tới những người ngồi dưới là người lao động, chạnh lòng ra sao”.
Cô P.M.T, giáo viên một trường ngoài công lập địa bàn phường Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định: “Phụ huynh nói, thì giáo viên chỉ biết tiếp thu, nếu xảy ra va chạm thì giáo viên phải là người bị kết tội đầu tiên. Thậm chí, chúng tôi bị đuổi việc, nên phải thực sự kiên trì khi gặp các phụ huynh muốn “khoe mẽ” khi đến trường”.
Ảnh hưởng đến môi trường giáo dục
Theo nhiều giáo viên, với những khúc mắc từ phụ huynh, nhà trường luôn phải ở thế “lắng nghe”. Việc gì giải quyết được sẽ làm ngay và nếu những bức xúc của phụ huynh không được giải quyết thỏa đáng, sẽ cần một cấp cao hơn để giải quyết.
Bà Hoàng Thị Lan Hương, trường Tiểu học Việt Nam Cuba cho rằng: “Những thắc mắc của phụ huynh cần được giáo viên và nhà trường giải thích cặn kẽ. Trên tinh thần xây dựng trường, cả nhà trường và phụ huynh phải tìm ra tiếng nói chung. Phải đặt mình vào trong hoàn cảnh của phụ huynh để hiểu được những bức xúc của họ. Tuy nhiên, đối với những trường hợp, phụ huynh không hợp tác, thì phải nhờ tới cấp cao hơn giải thích”.
Thời đại công nghệ thông tin, bên cạnh việc lắng nghe ý kiến phụ huynh từ cuộc họp, từ chia sẻ qua tin nhắn điện thoại, nhiều giáo viên, hiệu trưởng các trường còn tiếp cận thông tin từ mạng xã hội. Nhiều phụ huynh phản ánh việc này là động thái tích cực từ những người làm sư phạm. Có những “phàn nàn” không dám nói trong cuộc họp, nhưng đăng tải ở trang cá nhân thì ngay hôm sau đã được trường quan tâm và giải quyết thỏa đáng.
Tuy nhiên, đang có một bộ phận phụ huynh “thích nói gì thì nói”, khiến các thầy cô giáo cảm thấy hụt hẫng và “cháy mặt”. Một giáo viên (xin được giấu tên) ở trường điểm quận Ba Đình (Hà Nội) kể: “Phụ huynh đến từ nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội. Nhưng khi đến trường học thì cần phải có cách ứng xử dung hòa. Cha mẹ chính là tấm gương để con cái soi vào. 14 năm làm chủ nhiệm nhưng chỉ một lần bị phụ huynh chỉ thẳng mặt nói những lời tục tĩu đã khiến tôi suy sụp. Nghề giáo là nghề nhạy cảm, nên dù nói gì chúng tôi cũng luôn cố gắng làm gương cho học sinh của mình”.
Bài cuối: Chưa có chế tài