Hết lòng vì học trò tự kỷ

Những học sinh tự kỷ của trường tiểu học Xuân Đỉnh (Hà Nội) bao năm qua, giờ có em đã lên cấp 2, cấp 3, cũng có em đã tốt nghiệp đi làm, không quá giỏi giang nhưng tiến bộ nhiều lắm, giỏi giang nhiều lắm đối với căn bệnh của các em.


“Chị có kẹo không để em gọi cháu vào”, cô giáo chủ nhiệm của H.M hỏi tôi. May quá, trong túi có gói kẹo dâu và nhờ thế mà tôi có cơ hội nhìn thấy khuôn mặt sáng rỡ, tròn như trăng của cậu học sinh lớp 3 mắc bệnh tự kỷ ấy; được thấy con cười hiền lành, được thấy con áp má vào cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Bích Hằng đầy tình cảm.

“Lúc nào trong túi em cũng phải có kẹo để dỗ học trò. Các cô giáo khác ở trường cũng thế. H.M trông hiền lành thế thôi, nhưng để có được tình cảm của học trò khó lắm, học trò rất sợ người lạ, chỉ theo mỗi cô chủ nhiệm thôi”, cô chủ nhiệm của H.M kể.

Cô giáo Hoàng Thị Hòa trong giờ ăn trưa của các con lớp 2A3.

H.M chỉ là một trong số hơn 20 trẻ tăng động, tự kỷ của trường tiểu học Xuân Đỉnh (Hà Nội). Không phải là trường dành cho trẻ tự kỷ, nhưng do đặc thù của căn bệnh xã hội này là giờ “không chừa ai”, nên các ban giám hiệu và các thầy cô giáo của trường đã coi đây là một nhiệm vụ giảng dạy đặc biệt và quan trọng. Và không biết tự bao giờ, các thầy cô đã “trang bị” cho mình kiến thức để không kém gì một giáo viên trong lĩnh vực này, có thể gần gũi, dạy dỗ và mang tới những tiến bộ cho nhóm học sinh “đặc biệt” này.

“Nổi tiếng” nhất trường có lẽ là D. , học sinh lớp 2A3. Con bị tự kỷ từ trước khi đi học, mẹ D. đã mất rất nhiều nước mắt trong ngay ngày khai giảng, vì đau lòng với cậu con trai to khỏe, xinh xắn nhưng lại “không giống các bạn”. Cũng như những trẻ tự kỷ khác, D. rất sợ người lạ, khó gần, khó tiếp xúc và khá hung bạo, có gì không vừa ý là sẵn sàng xông vào đánh đấm cô giáo và các bạn ngay. Trong hành trình hơn 400 ngày cùng D., cô giáo Hoàng Thị Hòa cũng đã không ít lần bị đánh. Và mỗi ngày lên lớp của cô Hòa lại là một ngày hồi hộp xem đứa con bé bỏng này của mình tiến bộ tới đâu. Cũng chính vì D., mà vốn là một giáo viên rất giỏi lớp 1, nhưng cô Hòa đã quyết định theo D. lên lớp 2. Hiệu trưởng Bích Hằng cũng đồng thuận ngay, dù năm nay nhà trường tăng lớp, rất thiếu giáo viên lớp 1.

“Cũng phải mất rất nhiều ngày, rất nhiều công sức cô giáo Hòa mới trở thành người thân của D, được D. tin tưởng. Về nhà giờ D. chỉ kể chuyện về cô Hòa, hôm nay cô làm gì, cô nói gì, cô dạy gì… Chính vì vậy, không thể lại để D. mất thêm thời gian nữa quen với cô giáo khác, nên trường đã đồng ý cho cô Hòa theo D. lên lớp h2. Nhưng cũng chỉ năm nay thôi, còn sang năm, học trò sẽ phải tự “bơi” vì cô không thể theo học trò mãi được”, Hiệu trưởng Bích Hằng chia sẻ.

Theo cô Hòa xuống lớp, chúng tôi gặp cậu bé đặc biệt này. Đó là một học sinh khỏe mạnh, mặc chiếc áo phông rất tươi tắn, trông không có gì khác thường trong vẻ bề ngoài cả. Nhưng câu chuyện về D. thì thật sự là những thử thách theo ngày với cô Hòa. “Ngày đầu tiên đến trường, mẹ D. nói chỉ mong tới ngày con gần gũi với cô giáo. Còn tôi nói với mẹ D., chị cứ yên tâm, nếu em cầm được tay học trò là mọi chuyện sẽ ổn. Và cái cầm tay của tôi với D. thật sự là khoảnh khắc để đời của cả tôi và mẹ D.”, cô giáo Hòa kể.

Đã cầm được tay, được học trò tin tưởng; nhưng đó mới chỉ là bước khởi đầu. Hành trình năm lớp 1 thật sự là dài. D. không giống những trẻ khác, học trò thích làm theo ý mình mà không nghe lời cô. Mỗi giờ học, học trò chỉ tập trung được 15 phút, sau đó là nản, quay sang làm việc khác hoặc vẽ. Cả lớp học toán thì D. mang văn ra làm và ngược lại. Rồi cả lớp học thì D. vẽ. Khi ngủ, cả lớp nằm quay đầu này thì D. quay đầu kia. Giờ ngủ, D. vẫn nhất định thức chờ ăn cơm với cô, chỉ món này, món kia…

“Mỗi học sinh tự kỷ có một thế mạnh riêng. Như D. là màu sắc, học trò vẽ không đẹp nhưng rất thích màu và thích vẽ, chỗ nào cũng vẽ. Lớp học của tôi xung quanh chỗ D. ngồi chi chít hình học trò vẽ. Vẽ xong thì màu bút vứt tứ tung cả; nhưng hôm sau đến lớp thì lại biết tìm đúng chỗ mình để màu bút mà lấy, học trò rất nhớ mọi thứ mình để ở đâu”, cô Hòa kể.

Không chỉ vẽ tứ tung, D. cũng rất “bừa bãi”, khi ăn cơm bao giờ cũng đòi lấy nhiều, nhưng ăn xong thừa là “vầy” đầy xung quanh chỗ ngồi. Các đồ vật khác học trò cũng vứt lung tung; cô giáo đi theo dọn cũng không xuể. “Cô thì vất vả cả ngày, nhưng vì học trò mà lớp lúc nào cũng không gọn gàng, sạch sẽ, khổ nhất là những hôm có dự giờ, lớp không sạch đẹp cũng đành chịu”, cô Hòa cho biết.

Ban đầu vào lớp D. không chơi với ai, bạn bè cũng không dám chơi với D. vì cậu bé rất hay đánh bạn, mà đánh rất đau. Cô Hòa đã lại phải làm đại sứ hòa bình, thủ thỉ cho các bạn hiểu và thương D. Giờ D. đã có bạn trong lớp rồi, đã biết thích chơi với bạn, thấy thích bạn nào thì chạy đến ngồi cạnh, rồi vuốt má, thậm chí véo yêu bạn… Cả lớp cũng coi D. là bạn như những bạn khác, hòa đồng và thương yêu nhau…

Điều đáng nói hơn, học trò đã học hành tiến bộ, biết đọc, biết làm toán, dù đến giờ toán cộng có nhớ vẫn là thử thách với học trò. Nhưng thế cũng đủ làm mẹ D. phát khóc vì mừng. Học trò cũng đã biết nói, biết kể chuyện ở lớp, tỉ mỉ không sót chuyện gì. Và mừng nhất như cô Hòa kể là học trò đã biết ghi nhớ khăn số 9 là khăn mặt của mình, biết dùng xong là giặt khăn, còn biết giục bạn bè giặt khăn đi cho sạch. Học trò đã biết giờ nào, ngày nào là giờ sinh hoạt, nhớ không hề quên… Nghe kể thì đơn giản thế thôi, nhưng ai biết cho mỗi thói quen ấy là vài tuần cả mẹ D. và cô Hòa cùng hợp sức dạy dỗ, rèn học trò mới được. Người trong cuộc mới biết ý nghĩ của từng tiến bộ nho nhỏ ấy, biết nó đáng giá thế nào với một em bé bị tự kỷ cực kỳ nặng như D.

Mỗi học sinh tự kỷ của trường đều là một câu chuyện dài như vậy, có chuyện sâu, có chuyện nông; nhưng đều là những chuyện đáng nhớ, đáng nghe, đáng nể phục về tấm lòng của các thầy cô nơi đây với con trẻ; với quyết tâm chăm sóc, quan tâm tới từng cá nhân trẻ mà Ban giám hiệu nhà trường đã xác định trong mục tiêu giảng dạy của mình. Tất nhiên, sự nâng niu, chăm chút, dìu dắt ấy với các học trò cũng là có “khuôn khổ”, có một “ngưỡng” đặt ra để các học trò biết mình không phải được “ưu ái quá”, để các học trò biết mình cũng phải có kỷ luật…

Những học sinh tự kỷ của trường bao năm qua, giờ có em đã lên cấp 2, cấp 3, cũng có em đã tốt nghiệp đi làm, không quá giỏi giang nhưng tiến bộ nhiều lắm, giỏi giang nhiều lắm đối với căn bệnh của các em. Thế mới là thành công các thầy cô nơi đây tự hào, bên cạnh những tự hào về bề dày thành tích học tập, giảng dạy mà trường đã đạt được trong những năm qua…


PV
Chữa bệnh tự kỷ cho trẻ bằng robot
Chữa bệnh tự kỷ cho trẻ bằng robot

Việc tiếp xúc với những robot có hình dáng tương đối giống với con người như Zeno mang lại hiệu quả tích cực hơn trong hoạt động giao tiếp của trẻ tự kỷ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN