Hệ quả của đổi mới trong thi và tuyển sinh 2017 - Tại điểm ưu tiên?

Thực tế về điểm chuẩn các trường đại học tăng mạnh, thậm chí, có những thí sinh đạt điểm cao “ngất ngưởng” nhưng vẫn bị trượt; trong khi ngành sư phạm vớt cả những thí sinh 3 điểm/môn… đã khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi về việc kỳ thi THPT Quốc gia năm nay có thực sự thành công như Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định?

Thí sinh đạt 29,25 điểm, thậm chí đạt 30 điểm vẫn trượt, chuyện tưởng như đùa nhưng lại đang diễn ra trong mùa tuyển sinh năm 2017. Bởi nhiều trường có mức điểm chuẩn trên cả tuyệt đối. Trong khi đó nhiều thí sinh có số điểm thấp hơn từ 2 - 3 điểm vẫn đỗ những ngành này nhờ cộng điểm ưu tiên. Vậy lỗi có thực sự nằm ở điểm ưu tiên?


Điểm tối đa vẫn trượt


Chưa một mùa tuyển sinh nào mà điểm chuẩn của các trường đại học top trên lại tăng vọt như vậy. Các trường có mức điểm chuẩn cao phải kể đến như: Học viện An ninh nhân dân_ngành ngôn ngữ Anh: 30,5 điểm; Đại học phòng cháy chữa cháy đối với thí sinh nữ: 30,25 điểm; Học viện kỹ thuật quân sự: 30 điểm; Các khối trường y dược: 29,25 điểm; Đại học Luật Hà Nội: 28,75 điểm; Đại học Ngoại thương: 28 điểm.

Dù không giới hạn nguyện vọng nhưng thí sinh vẫn còn những băn khoăn trong mùa tuyển sinh năm 2017. Ảnh: TTXVN

Với mức điểm cao như vậy thì việc lựa chọn thí sinh giờ đây càng trở nên khó khăn hơn khi có thêm mức điểm ưu tiên, điểm cộng xuất hiện. 


Chỉ lấy ví dụ, trong số 3 chỉ tiêu xét tuyển vào ĐH phòng cháy chữa cháy thì có 4 thí sinh đạt 30.25 điểm. Dù trên điểm tuyệt đối thì vẫn sẽ có một thí sinh bị loại. Như vậy, cơ hội sẽ không dành cho các thí sinh thành phố đạt điểm tuyệt đối 3 môn mà dành cho những thí sinh được cộng điểm ưu tiên. Đây không chỉ là cú sốc cho nhiều thí sinh mà còn là nỗi băn khoăn của chính các trường đại học khi đưa ra mức điểm tuyển sinh kỷ lục đó.


Trường hợp tiêu biểu trong mùa tuyển sinh năm nay là thí sinh P.H (huyện Thạch Thất, Hà Nội) đạt 29,25 điểm vẫn trượt ngành Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội vì thiếu 0,05 điểm và kém về tiêu chí phụ. Thí sinh này có điểm số lần lượt là Toán 9,4; Hóa 9,75; Sinh 10. Do thuộc khu vực 3, em không có điểm cộng ưu tiên, tổng điểm của H. là 29,15 điểm (làm tròn thành 29,25 điểm).


Theo đăng ký thì mức điểm này H. đã đủ điểm đỗ vào ngành Y đa khoa, ĐH Y Hà Nội nhưng khi xét đến tiêu chí phụ thì H. trượt tiêu chí số một: Điểm xét tuyển chưa làm tròn. Các tiêu chí sau ưu tiên lần lượt: Điểm Toán, điểm Sinh và thứ tự nguyện vọng.


Theo H. thì đây là năm thứ hai em thi đại học và đặt hy vọng rất nhiều vào kỳ thi này. Nếu chỉ vì kém bạn điểm thực chất thì sẽ không sao nhưng điều thí sinh này băn khoăn hơn cả là tiêu chí phụ số một: Ưu tiên điểm xét tuyển chưa làm tròn có công thức tính: Tổng điểm 3 môn Toán, Hóa, Sinh (không nhân hệ số, làm tròn) + Điểm ưu tiên + Điểm khuyến khích. Điều này cho thấy nhữn bạn những bạn đạt 25,75 điểm; thêm 3,5 điểm ưu tiên là thành 29,25 điểm lại đỗ? Cánh cửa đại học đã thực sự đóng trước mắt em”.


Vậy điều mà H. cảm thấy “oan ức” này có thực sự mà lỗi là ở tiêu chí phụ hay việc cộng điểm ưu tiên không hay là khi đã tham dự một kỳ thi cam go thì bắt buộc phải chấp nhận luật mà kỳ thi đó đặt ra.


Thí sinh phải chấp nhận luật của kỳ thi


Lý giải về trường hợp này, GS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng ĐH Y cho biết: “Tiêu chí phụ được nhà trường xây dựng theo quy chế của Bộ GD- ĐT để việc xét tuyển được đảm bảo thuận lợi. Trong khi đó năm nay, ĐH Y Hà Nội nằm trong nhóm xét tuyển miền Bắc (do ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì). Nếu không có tiêu chí phụ, trường top cao như ĐH Y Hà Nội không thể tuyển sinh được vì có quá nhiều thí sinh đạt điểm cao”.


Trước những trường hợp thí sinh thiếu 0,05 điểm trượt ĐH Y Hà Nội, GS Nguyễn Hữu Tú cho biết điều này rất đáng tiếc cho các em nhưng điểm chuẩn không thể thay đổi. “Trong thi cử chuyện chênh lệch điểm ít hay nhiều dẫn đến đỗ hay trượt thì thí sinh phải chấp nhận”, GS Nguyễn Hữu Tú nói.


Trao đổi với báo chí, Thiếu tướng PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Hiệu trưởng trường ĐH Phòng Cháy chữa cháy cho biết: “Có điểm ưu tiên rất thiệt cho các bạn ở thành phố. Mặc dù các bạn học giỏi nhưng chưa chắc đã có thể vào trường nếu  tính đến yếu tố điểm ưu tiên. Theo tôi, các Bộ nên có cách khác để ưu tiên hoặc giảm bớt mức ưu tiên xuống, nếu không sẽ có nhiều thí sinh giỏi mà không đỗ ở trường tốp trên. Như trường tôi, thí sinh các vùng khác lại nhiều hơn thí sinh ở thành phố”.


Theo thống kê trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 chỉ có 11 thí sinh trong cả nước đạt con số tuyệt đối 30/30 điểm. Trong khi số chỉ tiêu các trường lấy điểm trên con số này được công bố là hàng trăm điểm tuyệt đối.


Đại tá Trần Ngọc Thịnh, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Học viện An ninh cho biết: “Các thí sinh trên 30 điểm vào trường là điểm đáng mừng vì nhà trường tìm được các thí sinh thật sự có thành tích tốt. Nhưng cũng có nhiều em điểm rất cao nhưng vì không có điểm ưu tiên mà không được vào trường cũng là một điều đáng tiếc”.


Tuy nhiên, nhìn ở một khía cạnh tổng thể thì điều này không phải lỗi ở điểm ưu tiên mà do chính đề thi. Nhiều chuyên gia khẳng định, đề thi đã dẫn tới những hệ quả mà các trường, thí sinh đang phải gánh.


Bài 2: Đề thi đã thất bại trong việc sàng lọc thí sinh

Lê Vân/ Báo Tin Tức
ĐH Lâm nghiệp công bố điểm chuẩn
ĐH Lâm nghiệp công bố điểm chuẩn

Sáng 1/8, trường Đại học Lâm nghiệp công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng đợt 1 kỳ tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN