Tham gia vào mô hình chuẩn
Theo thống kê, trên địa bàn Hà Nội có khoảng 4.526 cơ sở giáo dục, trong đó có 4.538 bếp ăn tập thể và khu nấu ăn khác. Các hình thức bếp ăn tập thể trường học đang triển khai gồm: Tự tổ chức nấu, liên kết ký hợp đồng với nhà thầu, ký hợp đồng cung cấp suất ăn sẵn. Trung bình khoảng 480 - 500 suất ăn/ngày/trường.
Từ năm 2010 đến năm 2021, Hà Nội có 27 vụ ngộ độc thực phẩm với tổng số 640 người mắc, không có trường hợp tử vong. Trong đó có 8 vụ ngộ độc tại bếp ăn tập thể trường học, chiếm tỷ lệ 47,1%.
Trước thực tế trên, trong hai năm 2022 và năm 2023, Sở Y tế Hà Nội xây dựng kế hoạch kiểm soát an toàn thực phẩm tại 100% bếp ăn tập thể của 215 trường tiểu học thuộc 10 quận, huyện gồm: Đống Đa, Hoàn Kiếm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Ba Vì, Đông Anh, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai.
Bà Nguyễn Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Khi kiểm tra bếp ăn tập thể ở Trường Tiểu học Nguyễn Tuân cho thấy trường đã bảo đảm công tác vệ sinh tại bếp ăn nghiêm túc. Theo đó, nhà trường được lãnh đạo UBND quận Thanh Xuân đầu tư cơ sở vật chất bếp ăn khang trang. Nhà trường cũng thường xuyên rà soát, bổ sung các trang thiết bị phục vụ công tác bán trú. Trường lựa chọn ký hợp đồng với Công ty Hương Việt Sinh, một trong những đơn vị uy tín, có đầy đủ hồ sơ pháp lý để cung cấp suất ăn cho học sinh và nấu tại bếp của trường.
Theo bà Thu Hà: “Việc bảo đảm công tác vệ sinh là điều kiện tiên quyết. Khu vực bếp ăn một chiều, chế biến đúng quy trình, có thùng đựng rác với nắp đậy kín và túi nilon lót, nhân viên bếp thu dọn chất thải, rác thải để đúng nơi quy định… Nhà trường cũng ký hợp đồng với Hợp tác xã Thành Công để bảo đảm việc vận chuyển, thu gom và xử lý rác ngay trong ngày; thành lập tổ tự giám sát…”.
Theo bà Phạm Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội): Việc công khai đơn vị cung cấp suất ăn, thực đơn bữa ăn hằng ngày là cần thiết, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm chất lượng bếp ăn học đường. Chúng tôi thực hiện công khai bằng nhiều hình thức như trên website, bảng tin của nhà trường; trong cuộc họp hội đồng, họp phụ huynh học sinh đầu năm học với các nội dung công khai: Đơn vị cung cấp suất ăn, nguồn gốc thực phẩm, quy trình giao nhận, chế biến; thực đơn bữa ăn, danh sách Ban giám hiệu, giáo viên, phụ huynh học sinh tham gia giám sát (công khai theo tuần).
Bà Thanh Huyền cho rằng, nhà trường thành lập tổ giám sát an toàn thực phẩm của trường, có Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia; Ban giám hiệu phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp, đến lớp nào trực thì đại diện Ban phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát cùng. Đồng thời, nhà trường cũng quản lý những người ra, vào khu vực bếp bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chế biến. Với phụ huynh học sinh không có trách nhiệm kiểm tra, giám sát nhưng muốn đến kiểm tra, giám sát thực phẩm thì sẽ báo với giáo viên chủ nhiệm để Ban giám hiệu cử người đưa đi kiểm tra.
Kiểm tra, giám sát và công khai thông tin
Bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội cho biết: “So với các trường mầm non, việc kiểm soát tình hình dinh dưỡng bữa ăn tại các nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục có phần khó hơn. Sở GD&ĐT Hà Nội đã tăng cường kiểm soát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại tất cả các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập để bảo đảm an toàn cho trẻ. Hằng năm, Sở GD&ĐT Hà Nội đều có hướng dẫn về chuyên môn, trong đó hướng dẫn về công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ; thực hiện phân cấp quản lý, quản lý hoạt động cấp phép và sau cấp phép với các nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
“Sau dịch COVID-19, Sở GD&ĐT Hà Nội đặc biệt tăng cường tuyên truyền, kiểm tra để đảm bảo công tác an toàn thực phẩm tại các nhóm lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, chúng tôi cũng huy động sự tham gia giám sát của cha mẹ trẻ; các đoàn thể tại địa phương; đồng thời, xây dựng các nhóm lớp điểm về chăm sóc nuôi dưỡng…”, bà Hoàng Thanh Hương cho biết.
Từ đầu năm đến tháng 9/2022, Hà Nội thành lập hơn 900 đoàn thanh kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm 4.493 bếp ăn tập thể trường học và bếp ăn bán trú khu công nghiệp; xử lý vi phạm hành chính 10 cơ sở với số tiền phạt là 132 triệu đồng. Đặc biệt, trong năm 2022, Hà Nội tập trung kiểm soát bếp ăn tập thể trường học tại 10 quận, huyện với 215 trường trọng tâm truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Được biết, thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục tập trung rà soát quy trình chuẩn, từ nguyên liệu đầu vào, quy trình chế biến, quy trình bếp ăn một chiều, yếu tố con người… Nhất là truy xuất nguồn gốc thực phẩm tận nơi sản xuất và cung cấp thực phẩm. Chính quyền các cấp, ngành Công thương, Nông nghiệp cần quyết liệt trong quá trình truy xuất nguồn gốc bởi các đơn vị cung ứng thực phẩm, lấy nhiều nguồn hàng từ nội địa, ngoại địa nhập vào bếp ăn trường học, không để xảy ra sự cố mất an toàn thực phẩm trong trường học.
Ông Đặng Thanh Phong, Chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các bếp ăn trường học theo phân cấp. Qua kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện vi phạm về an toàn thực phẩm có thể yêu cầu nhà cung cấp dừng ngay việc cung ứng thực phẩm, suất ăn đối với bếp ăn trường học. Với các nhà trường phải đảm bảo những thực phẩm được đưa vào bếp ăn trường học đều có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đơn vị cung cấp phải chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm.