Đó là ý kiến đề xuất của ông Phương Đại Ngọc, Phó Trưởng phòng Quản lý ngộ độc thực phẩm, Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh tại Hội nghị triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học năm học 2017-2018, tổ chức ngày 27/9.
Theo ông Phương Đại Ngọc, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có hơn 4.000 bếp ăn tập thể, căng-tin, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, trong đó có 2.821 cơ sở phục vụ hệ thống trường học. Về tình hình ngộ độc thực phẩm trong các trường học, năm 2016 thành phố xảy ra 2 vụ ngộ độc với 127 học sinh mắc; trong 9 tháng năm 2017, xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học với 16 học sinh mắc.
Phân tích nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học, đại diện Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, chủ yếu là do vi sinh vật, thực phẩm bị biến chất, tồn dư hóa chất… Đặc biệt, trong các loại hình cung cấp thức ăn cho học sinh thì số vụ ngộ độc thực phẩm chủ yếu rơi vào các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn bên ngoài.
Kết quả kiểm tra cho thấy, nhân viên của các cơ sở này chưa có kiến thức về bảo quản, chế biến thực phẩm, vẫn sử dụng nguyên liệu có chất cấm, phụ gia, nguyên liệu tồn dư hóa chất, nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến cho học sinh. Thời gian từ lúc chế biến đến khi sử dụng dài do cơ sở nhận cung cấp suất ăn cho nhiều trường, trong khi không có thiết bị bảo quản đảm bảo an toàn…
Thừa nhận vẫn còn lỏng lẻo trong công tác kiểm tra giám sát các bếp ăn tập thể và các cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp cho trường học, ông Nguyễn Văn Gia Thụy, Phó Trưởng phòng Công tác học sinh - sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, việc kiểm tra giám sát các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp sẽ được ngành giáo dục tổ chức thường xuyên, liên tục, đồng thời sẽ giới thiệu các mô hình, cơ sở cung cấp suất ăn an toàn, đạt chuẩn cho các trường học.
Đưa ra giải pháp, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, trong năm học 2017-2018 sẽ tập trung rà soát khâu cấp phép, đảm bảo 100% bếp ăn, căng-tin, cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp có chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm.
Đồng thời kiểm soát kỹ nguồn gốc thực phẩm sử dụng để chế biến suất ăn cho học sinh, gắn trách nhiệm kiểm soát các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn cho lãnh đạo các trường học.
Ngoài ra, Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố sẽ thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm tối thiểu 2-3 lần/năm đối với các bếp ăn tập thể, cơ sở cung cấp suất ăn cho trường học; xử lý nghiêm, rút giấy phép hoạt động đối với các cơ sở để xảy ra ngộ độc thực phẩm nhiều lần.