Thông tin sớm danh mục sách giáo khoa đến phụ huynh và học sinh
Năm học 2023 - 2024, Trường Tiểu học Liêm Tuyền (thành phố Phủ Lý) có 417 học sinh; trong đó có 340 học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và 77 học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Để thực hiện nhiệm vụ năm học, nâng cao chất lượng dạy và học cả hai chương trình, bên cạnh việc chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ, nhà trường còn quan tâm, làm tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với nhà cung ứng để có đầy đủ sách giáo khoa và các loại tài liệu tham khảo, vở bài tập theo đăng ký.
Cô giáo Hồ Thị Hay, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Liêm Tuyền cho biết, nhà trường đã thông tin đầy đủ danh mục sách giáo khoa, sách tham khảo, sách bài tập, đồ dùng học tập tới cha mẹ học sinh; thông báo trên các nhóm lớp, website của nhà trường để cha mẹ học sinh biết được các loại sách bắt buộc và các loại sách, tài liệu không bắt buộc. Qua đó, chủ động tự lựa chọn đăng ký mua theo nhu cầu. Qua đăng ký của cha mẹ học sinh, đến nay, số lượng sách giáo khoa và tài liệu tham khảo đã được cung ứng đầy đủ về trường, đảm bảo 100% học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có đủ sách, tài liệu tham khảo. Đối với học sinh lớp 5 học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006, nhà trường hướng dẫn cha mẹ đăng ký mua sách giáo khoa tại trường hoặc tự mua tại các nhà sách, thậm chí có thể mượn và sử dụng lại sách giáo khoa của học sinh khóa trước.
Chị Lương Thị Hậu (thành phố Phủ Lý) cho biết, năm nay, chị có con học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sử dụng sách giáo khoa mới lớp 4. Cách đây hơn 1 tháng, nhà trường đã gửi danh mục các loại sách giáo khoa, sách bài tập, tài liệu tham khảo để gia đình nghiên cứu mua cho con. Chị đã trao đổi, tham khảo ý kiến của một số giáo viên và phụ huynh trong nhóm lớp về việc nên lựa chọn mua những loại sách nào ngoài sách giáo khoa bắt buộc và nắm bắt giá cả trên thị trường. Đến thời điểm này, chị đã nhận đầy đủ số sách đã đăng kí cho con.
Bước vào năm học mới 2023 - 2024, trên địa bàn huyện Kim Bảng có 21.540 học sinh phổ thông với 614 lớp. Các nhà trường căn cứ kế hoạch giáo dục của mỗi đơn vị tiến hành lựa chọn, đề xuất danh mục đầu sách tuyên truyền đến cha mẹ học sinh. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Bảng đã thành lập các tổ chuyên môn họp, đề xuất, hướng dẫn, giúp nhà trường lựa chọn và ban hành danh mục xuất bản phẩm tham khảo dùng trong nhà trường năm học mới. Theo ông Vũ Mạnh Toàn, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kim Bảng, danh mục xuất bản phẩm dùng trong nhà trường được lựa chọn theo hướng đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng dạy và học của mỗi đơn vị; được các nhà trường công khai, minh bạch để học sinh và cha mẹ đăng ký theo nguyện vọng. Sau đó, các nhà trường tổng hợp số lượng gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo để phối hợp với các nhà xuất bản, đơn vị cung ứng sách có uy tín, tránh tình trạng sách lậu, sách giả tràn vào nhà trường.
Cơ bản có đủ sách giáo khoa
Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ tư ngành Giáo dục Hà Nam thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối lớp 1, 2, 3, 4 của cấp Tiểu học; lớp 6, 7, 8 của cấp Trung học Cơ sở và lớp 10, 11 của cấp Trung học Phổ thông; đồng thời, tiếp tục triển khai dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2002 đối với các lớp còn lại (gồm: lớp 5, lớp 9 và lớp 12). Ngay từ tháng 5/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổng hợp, dự kiến nhu cầu sách giáo khoa sử dụng tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn và chủ động phối hợp với các nhà xuất bản thực hiện in ấn, cung ứng sách theo nhu cầu, đăng ký của học sinh.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam Nguyễn Quang Long cho biết, Sở đã chủ động tăng cường quản lý, giám sát sử dụng sách giáo khoa bằng những việc làm cụ thể như: thông báo rộng rãi, đầy đủ danh mục sách giáo khoa mà UBND tỉnh đã phê duyệt đến tất cả cơ sở giáo dục trên địa bàn để làm cơ sở tổ chức thực hiện. Qua theo dõi, việc đăng ký mua sách giáo khoa cho năm học mới của học sinh ở các nhà trường trên địa bàn diễn ra đúng quy định. Số lượng sách tham khảo, sách bài tập dùng cho các cấp học được đăng ký theo đúng nhu cầu và đã được cung ứng về các nhà trường từ khá sớm. Thời gian tới, Sở phối hợp với các cơ quan, ban, ngành có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra công tác xuất bản và sử dụng sách giáo khoaxuất bản phẩm tham khảo để tiến hành xử lý hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm.
Thực tế đến thời điểm đầu năm học mới, một số nhà xuất bản gặp khó khăn trong đấu thầu nguyên liệu, vật tư in ấn, xuất bản sách giáo khoa phục vụ năm học mới. Tuy nhiên, tỉnh Hà Nam nhờ có sự chủ động phối hợp sớm nên đến cuối tháng 8 đã cơ bản có đủ sách giáo khoa chuyển về các trường học, sẵn sàng cho học sinh học tập.