Nhiều tâm tư
Năm học 2016 - 2017 bắt đầu thì cũng là lúc những vấn đề của Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học được đặt ra. Đại diện Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD -ĐT) khẳng định, những tồn tại của thông tư này trong 2 năm học trước đã được thay thế bằng Thông tư 22. Đó là giảm áp lực cho giáo viên, làm rõ những lời khen, lời nhận xét vốn chung chung trước đó.
Cô Trần Thị Hà, giáo viên Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, Long Biên, Hà Nội cho biết, với cách đánh giá học sinh theo Thông tư 22, sổ sách của giáo viên sẽ nhẹ nhàng hơn, việc áp dụng công nghệ thông tin sẽ trợ giúp nhiều cho giáo viên. Đặc biệt, khi thực hiện Thông tư 22, với việc đánh giá thường xuyên về học tập, giáo viên có thể nhận xét bằng lời và viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi thấy cần thiết thay vì nhận xét tất cả như trước đây.
Nhiều giáo viên vẫn băn khoăn khi Thông tư 22 có hiệu lực. |
Theo bà Trần Thị Hương, Phó Trưởng Phòng GD - ĐT Tây Hồ, Hà Nội, những lo lắng của phụ huynh khi thực hiện Thông tư 30 là học sinh sẽ lười học hơn khi lên lớp 6 thì Thông tư 22 cũng góp phần khắc phục được lo ngại này. Đối với học sinh lớp 4, 5, các em vẫn có những bài kiểm tra định kỳ trên lớp, chỉ là không chấm điểm, lấy điểm vào học bạ. Theo thông tư 22, học sinh lớp 4, 5 sẽ được tăng cường các bài kiểm tra giữa kỳ theo quy định.
Tuy nhiên, một số giáo viên chủ nhiệm vẫn cho rằng, công việc của họ vẫn còn nhiều. “Tôi thấy các giáo viên bộ môn là nhàn hơn, còn áp lực đối với các giáo viên chủ nhiệm vẫn không giảm là mấy, nội dung giữa các cuốn sổ như “Bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục” và “Học bạ và Sổ liên lạc” còn trùng lắp về nội dung”.
“Tôi cũng như nhiều giáo viên vẫn đang tự nghiên cứu thông tư để làm sổ sách chứ chưa được tập huấn. Thực tế, thông tư 22 không khác nhiều với công việc của giáo viên trước đó, có chăng chỉ giảm bớt cuốn sổ theo dõi chất lượng học sinh. Các giáo viên chưa ai dám làm học bạ mới cho học sinh vì chưa có hướng dẫn mới, chưa được tập huấn”, một giáo viên tiểu học tại TP Ninh Bình cho biết.
Sắp tập huấn cho các trường
Ngay khi ban hành Thông tư 22, Bộ GD - ĐT đã yêu cầu các Sở xây dựng kế hoạch tập huấn. Đồng thời, yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo hướng dẫn các trường tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên thảo luận và chuẩn bị các vấn đề còn băn khoăn, chưa rõ trong Thông tư 22 để trao đổi, chia sẻ trong quá trình tham gia tập huấn. Đồng thời, chủ trì phối hợp với các trường đại học, cao đẳng có đào tạo giáo viên tiểu học tổ chức tập huấn thực hiện Thông tư 22 cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tiểu học tại địa phương, hoàn thành trước ngày 6/11/2016. Chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Thông tư này tại địa phương; báo cáo kết quả thực hiện về Bộ vào cuối học kì I và cuối năm học. Trước thời điểm Thông tư 22 có hiệu lực 1 ngày, Bộ GD - ĐT đã tổ chức tập huấn cho cấp quản lý về cách đánh giá học sinh tiểu học mới.
Khi Thông tư 22 có hiệu lực, tại Hà Nội, việc đánh giá, nhận xét học sinh lập tức được cập nhật lên sổ điểm và học bạ điện tử theo phần mềm chung mà Hà Nội đang triển khai. Lãnh đạo Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, giáo viên thay vì phải ghi chép nhiều lần, vào nhiều loại sổ khác nhau thì hoàn toàn có thể áp dụng công nghệ thông tin để giảm bớt đầu việc mà vẫn đảm bảo yêu cầu về đánh giá, nhận xét học sinh theo hướng dẫn của Bộ GD - ĐT. Việc áp dụng công nghệ thông tin trong nhận xét đánh giá theo phần mềm điện tử đã được Hà Nội áp dụng từ bậc THCS và THPT từ năm học trước.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đang lên kế hoạch tập huấn cho các quận/huyện, sau đó, các quận/huyện sẽ thực hiện tập huấn cho các trường. Sở sẽ có những đặc thù riêng nên trong tập huấn sẽ ghi nhận ý kiến của các đơn vị, sau đó đưa ra huớng dẫn cụ thể cho các giáo viên.