Gần 30 điểm không đỗ ĐH: Do thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng?

Những ngày qua, việc điểm chuẩn cao, thậm chứ vượt cả mức điểm tuyệt đối; chính sách ưu tiên khiến thí sinh thiệt thòi… ở các trường top trên đã khiến thí sinh, dư luận không khỏi hoang mang về chất lượng của kỳ thi THPT quốc gia 2017 dùng để xét tuyển. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời về vấn đề này.

Không trúng tuyển nguyện vọng 1 không có nghĩa là trượt đại học

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) Bùi Văn Ga, trong tổng số hơn 4.000 ngành tuyển sinh, chỉ có vài chục ngành có điểm chuẩn cao (chiếm chưa đến 1% tổng số ngành) thuộc các trường quân đội, công an, y dược. Đây là các ngành  lâu nay vẫn có mức điểm chuẩn cao.

Bộ Giáo dục giải đáp nhiều thắc mắc cho thí sinh hậu xét tuyển. Ảnh: Phương Vy.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga phân tích, những năm trước, do bị giới hạn số nguyện vọng, nên nhiều thí sinh điểm cao vẫn không tự tin nộp vào những ngành này. Năm nay, quy chế cho phép không giới hạn số nguyện vọng, nên hầu như những thí sinh có kết quả cao đều đăng ký, trong khi chỉ tiêu các ngành quân đội, công an lại giảm, dẫn đến tăng điểm chuẩn. Do đó, một số ít thí sinh có điểm thi cao không trúng tuyển nguyện vọng 1.


“Tuy nhiên không trúng tuyển nguyện vọng 1 không có nghĩa là đã trượt đại học. Nếu các em đã thực hiện đăng ký xét tuyển phù hợp thì chắc chắn các em đã trúng tuyển các nguyện vọng khác. Ngoài một số rất ít các ngành điểm chuẩn cao, hầu hết các ngành còn lại (đến gần 99% tổng số ngành tuyển sinh) việc tăng, giảm điểm chuẩn rất bình thường như mọi năm”, Thứ trưởng Ga nói.


Trước những thắc mắc về vấn đề ra đề thi khiến điểm thí sinh tăng cao, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Trước đây, khi thi tự luận, mỗi môn thi chỉ có một đề thi duy nhất, nên đề thi chỉ có một vài câu hỏi khó, rơi vào một vài chương của chương trình nên chỉ một số ít thí sinh chuyên sâu các chương này mới làm được.


Năm nay thi trắc nghiệm với 24 mã đề thi khác nhau, những câu hỏi khó rải rác trong khắp chương trình, vì thế nhiều thí sinh có thể làm được, kéo theo số thí sinh điểm cao nhiều hơn khi thi tự luận. Tuy nhiên, số lượng thí sinh được điểm 9-10 cũng chỉ chiếm không quá 3% tổng số thí sinh dự thi, điểm trung bình hầu hết các môn thi đều nằm trong khoảng 5-6 điểm, nên đề thi không phải là dễ. Vấn đề là số lượng thí sinh có điểm cao này lại ưu tiên đăng kí vào những trường, những ngành mà lâu nay điểm chuẩn vốn dĩ đã rất cao, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh rất ít, vì vậy, có hiện tượng một số thí sinh điểm cao vẫn không trúng tuyển nguyện vọng 1.


Về vấn đề nhiều thí sinh, phụ huynh thắc mắc là khi công bố điểm chuẩn dự kiến, các trường đã công bố điểm chuẩn thấp so với mức điểm cuối cùng, khiến các em đưa ra lựa chọn chưa chính xác, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: Trong suốt quá trình tư vấn tuyển sinh, các chuyên gia cũng đã khuyên thí sinh đăng ký vài ba ngành cao hơn kết quả thi dự kiến, vài ba ngành sát với kết quả thi dự kiến và vài ba ngành thấp hơn kết quả thi dự kiến. Khi xét tuyển thí sinh được xét bình đẳng giữa các nguyện vọng (không trúng tuyển nguyện vọng cao sẽ trúng nguyện vọng thấp).


Chính sách ưu tiên được điều chỉnh phù hợp


Nhiều người bày tỏ sự băn khoăn là việc làm tròn 0,25 điểm tổng 3 môn thi có thể dẫn đến bất hợp lý đối với thí sinh bằng điểm nhau ở cuối danh sách xét tuyển. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: Quy chế quy định làm tròn 0,25 tổng điểm 3 môn thi để tính điểm xét tuyển. Trong trường hợp cuối danh sách còn nhiều thí sinh bằng điểm nhau thì trường sử dụng các tiêu chí phụ để xét tuyển. Việc làm tròn 0,25 điểm hay không làm tròn mà lấy điểm 2 số thập phân cũng đã được thảo luận nhiều khi soạn thảo quy chế tuyển sinh. Nếu không làm tròn thì chênh lệch mức điểm là 0,01 đối với tổng 3 môn thi. Mức chênh lệch quá bé như vậy rất khó phân biệt chính xác trình độ thí sinh.


Vì thế quy chế giao cho các trường đưa ra các tiêu chí phụ, ví dụ trường có thể chọn thí sinh tổng 3 môn thấp hơn 0,01 điểm nhưng có điểm toán cao hơn nếu thấy rằng kiến thức môn toán cần thiết cho ngành học… Tuy nhiên trong thiết kế phần mềm, Bộ vẫn đưa ra tiêu chí phụ đối với trường hợp thí sinh bằng điểm nhau sau khi đã làm tròn 0,25 ở cuối danh sách thì trường có thể quay về điểm gốc trước khi làm tròn để xét tuyển (tức lấy 2 số thập phân). Các trường tự quyết định có chọn tiêu chí phụ này hay không.


Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc cộng điểm ưu tiên đang nảy sinh những bất hợp lý, gây thiệt thòi cho thí sinh khu vực 3 điểm cao mà không trúng tuyển nguyện vọng 1 vào các ngành/trường yêu thích.


Về vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhận định: Quy định cộng điểm ưu tiên đối tượng và khu vực trong tuyển sinh đã được thực hiện từ rất nhiều năm nay. Quy định này cụ thể hóa các chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước đối với người có công, con em dân tộc, thí sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn… có điều kiện sống, điều kiện học tập khó khăn hơn rất nhiều so với thí sinh sống ở thành ph”.


Do đó, khi chính sách ưu tiên của Đảng và Nhà nước thay đổi thì quy chế tuyển sinh cũng được điều chỉnh lại cho phù hợp. Ví dụ những địa phương trước đây thuộc khu vực khó khăn, nay điều kiện kinh tế xã hội đã được cải thiện, không còn nằm trong danh sách các địa phương khó khăn thì việc cộng điểm ưu tiên đối với thí sinh cũng sẽ được điều chỉnh giảm.


Lê Vân
 Thứ trưởng Bùi Văn Ga:  'Cơn mưa điểm 10'  không phải là căn cứ để cho rằng đề thi dễ
Thứ trưởng Bùi Văn Ga: 'Cơn mưa điểm 10' không phải là căn cứ để cho rằng đề thi dễ

“Khác với mọi năm, đề thi năm nay dưới hình thức trắc nghiệm khách quan, có độ khó được phủ đều trong chương trình. Do đó, nhiều thí sinh ôn tập tốt một phần nào đó của đề thì sẽ làm được bài tốt”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga chia sẻ với báo chí vào chiều 6/7 trước thông tin nghi ngại về đề thi và tính nghiêm túc trong công tác coi thi của kỳ thi THPT quốc gia vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN