Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga. |
Đến 17 giờ ngày 6/7, Bộ GD – ĐT đã công bố gói dữ liệu về điểm thi của cả nước. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả thi năm nay?
Ngày 6/7, trước một ngày so với kế hoạch công bố điểm thi THPT quốc gia năm 2017, 63 tỉnh, thành phố đã công bố điểm thi. Bộ làm cẩn trọng trong việc công bố kết quả thi. Đó là, khi các Sở GD- ĐT gửi dữ liệu điểm gửi về, Bộ không chỉ đối chứng tên tuổi, số báo danh; mà còn đối chứng những sai sót với dữ liệu gốc và vẽ lại phổ điểm của để đối sánh với phổ điểm của các Sở. Kết quả, Bộ đánh giá cao về độ chính xác mà các địa phương đã thực hiện. Ngay khi đối sánh xong, Bộ đã chuyển gói dữ liệu này cho các đơn vị truyền thông, nhà mạng để công bố điểm thi.
Hiện nay, tổ kỹ thuật của Bộ tiếp tục tổng hợp, vẽ được phổ điểm và cần phân tích sâu. Nếu chỉ thấy điểm này cao, điểm này thấp theo con số thì là phạm vi hẹp, cục bộ. Để đánh giá bài làm của học sinh như thế nào, kết quả đề dễ hay khó thì phải vẽ phổ điểm mới nhận định được.
Tính tới thời điểm này, ở nhiều địa phương có hàng nghìn điểm 10, phân bố ở nhiều môn thi khác nhau và có cả môn xã hội. Cơn mưa điểm 10 đã khiến dư luận hoài nghi về tính nghiêm túc của kỳ thi và mức độ dễ dãi của đề thi. Ý kiến Thứ trưởng về vấn đề này?
Muốn đánh giá chất lượng làm bài của thí sinh thì cần chờ phổ điểm tổng thể. Nếu phổ điểm phân bố đều kiểu hình chuông thì phù hợp. Số điểm 10 hiện nay so với cả triệu thí sinh thì không có gì ghê gớm. Đánh giá chất lượng đề thi phải dựa vào phổ điểm. Do đó, nhận định mà dư luận đặt ra là không chính xác.
Về vấn đề coi thi, Bộ đánh giá các địa phương đã coi thi nghiêm túc. Bộ cũng giám sát chặt chẽ quá trình chấm thi. Đề thi trắc nghiệm khách quan được chuẩn hóa. Ma trận đề thi có xây dựng đề thi ở các mức khác nhau. Đề thi phân bố từ khó cho đến dễ. Nhiều em đạt được điểm cao như vậy là đáng mừng.
Cũng không phải đánh giá trong một phạm vi hẹp. Cần nhìn nhận đây là đề thi trắc nghiệm khách quan có số câu rải từ dễ, trung bình, đến khó và rất khó. Nhiều câu hỏi làm trong cùng một ô đó để làm đề thi chính thức. Trước đây khi làm đề thi tự luận, câu khó không được lựa chọn trong ô này; mà ban đề thi ra một đề thi khó cho tất cả mọi người. Với đề thi như mọi năm thì một số em học sâu hoặc đã từng gặp các định dạng đề, sẽ làm được là bình thường. Nhưng đối với thi trắc nghiệm khách quan đừng nên so sánh điểm 10 năm nay nhiều hơn năm ngoái. Hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả vì mức độ khó được rải đều ở toàn bộ chương trình.
Tôi nhắc lại, đề thi năm nay khác đề thi tự luận. Một câu khó có thể nằm bất cứ nơi nào trong chương trình. Nếu em nào học sâu một phần kiến thức nào đó thì hoàn toàn làm được. Còn trước đó thì chỉ có một câu khó thôi thì rất khó. Các em không nên bận tâm vào số lượng điểm 10.
Mức điểm cao như năm nay vậy liệu có làm khó cho các trường trong khâu xét tuyển, lựa chọn thí sinh không. Đặc biệt là những trường top cao?
Khi chúng ta có số liệu đầy đủ để phân tích thì hình dung chọn điểm trúng tuyển vào các trường khó hay dễ sẽ phụ thuộc vào tổng điểm 3 môn. Nếu phổ điểm đều, không bị dốc, thì lựa chọn điểm chuẩn dễ hơn, các trường lựa chọn thí sinh phù hợp. Nếu phổ điểm dốc thì các trường phải sử dụng tiêu chí phụ để xét tuyển.
Nhưng tôi nhận định phổ điểm năm nay sẽ không bị dốc. Bởi số em đạt điểm 10 và những có điểm 0, 1 rất nhiều. Phổ điểm trung bình có thể nhìn thấy ở mức 5, 6 điểm. Đối với các trường hoàn toàn không có khó khăn, thí sinh đăng ký trước, các trường có cơ sở dữ liệu. Trường phân tích các dữ liệu khác nhau để tuyển đủ thí sinh. Trong khi đó thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng.
Hiện nay có hai nhóm xét tuyển lớn là ở phía Bắc và phía Nam nên các trường sẽ thuận lợi hơn trong việc lọc hồ sơ ảo. Lưu ý xác định thí sinh xác định theo điểm chứ không theo nguyện vọng.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!