Đưa môn Toán gần hơn với thực tiễn

Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chương trình dự thảo môn Toán được xây dựng theo hướng tinh giản và gắn liền với thực tiễn hơn. Ảnh: TTXVN


Toán là một môn học quan trọng, học sinh phải học ở tất cả các cấp học nên nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các thầy cô giáo. Theo dự thảo, môn Toán được xây dựng theo hướng tinh giản, sát thực tiễn, tăng tính ứng dụng, giảm bớt tính lắt léo, đánh đố... so với chương trình hiện hành.

Bảo đảm tinh giản, thiết thực

Giáo sư Đỗ Đức Thái, Tổng chủ biên chương trình môn Toán cho biết: Môn Toán được xây dựng bảo đảm tính tinh giản, thiết thực, hiện đại. 

Nội dung chương trình môn Toán phản ánh những giá trị cốt lõi, nền tảng của văn hoá toán học nhất thiết phải được đề cập trong nhà trường phổ thông, phải phản ánh nhu cầu hiểu biết thế giới, khơi dậy hứng thú, sở thích của người học. 

Ngoài ra, nội dung chương trình môn Toán cũng chú trọng tính ứng dụng thiết thực, gắn kết với đời sống thực tế và các môn học khác, đặc biệt với các môn học thuộc lĩnh vực giáo dục STEM (liên môn Toán, khoa học, kĩ thuật), gắn với xu hướng phát triển hiện đại của kinh tế, khoa học, đời sống xã hội và những vấn đề cấp thiết có tính toàn cầu (như biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, giáo dục tài chính...).

Chương trình bảo đảm tính chỉnh thể, thống nhất và phát triển liên tục từ lớp 1 đến lớp 12. Có thể hình dung, chương trình được thiết kế theo mô hình gồm hai nhánh song song liên kết chặt chẽ với nhau, một nhánh mô tả sự phát triển của các mạch nội dung kiến thức cốt lõi và một nhánh mô tả sự phát triển của năng lực, phẩm chất của học sinh.

 Bên cạnh đó, chương trình môn Toán tiếp nối với chương trình giáo dục mầm non, cũng như tạo nền tảng cho giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Chương trình môn Toán được tích hợp xoay quanh ba mạch kiến thức: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.

Môn Toán cũng được phân chia theo hai giai đoạn. Giai đoạn giáo dục cơ bản giúp học sinh nắm hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất, làm nền tảng cho việc học tập ở các trình độ tiếp theo hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hằng ngày. 

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp giúp học sinh có cái nhìn tương đối tổng quát về Toán học, hiểu được vai trò và ứng dụng của Toán học trong đời sống thực tế, những ngành nghề có liên quan đến toán học để học sinh có cơ sở định hướng nghề nghiệp, có đủ năng lực tối thiểu để tự tìm hiểu những vấn đề có liên quan đến toán học trong suốt cuộc đời.

Giáo sư Đỗ Đức Thái cũng chia sẻ: Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi, trong mỗi năm học, học sinh có định hướng khoa học tự nhiên và công nghệ được chọn học một số chuyên đề. Các chuyên đề này nhằm tăng cường kiến thức về Toán học, kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn, đáp ứng sở thích, nhu cầu và định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Giáo viên cần quán triệt tinh thần “lấy người học làm trung tâm”, phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động của học sinh, chú ý nhu cầu, năng lực nhận thức, cách thức học tập khác nhau của từng cá nhân học sinh. Giáo viên cũng cần linh hoạt vận dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. 

Tuỳ mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà có những hình thức tổ chức dạy học thích hợp như học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ngoài lớp, tránh rập khuôn, máy móc. Kết hợp các hoạt động dạy học trong lớp học với hoạt động thực hành trải nghiệm, vận dụng kiến thức toán học vào thực tiễn.

Giáo viên cần giúp học sinh phát triển niềm tin về vị trí, vai trò tích cực của Toán học đối với đời sống trong xã hội hiện đại, khuyến khích học sinh phát triển hứng thú, sự sẵn sàng tự học hỏi, tìm tòi, khám phá để thành công trong học môn Toán.

Giáo viên đóng vai trò quan trọng nhất trong dạy học

Đánh giá về dự thảo chương trình môn Toán, thầy Lê Bá Trần Phương, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng: Để hoàn thiện dự thảo chương trình môn học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chuẩn bị kỹ lưỡng với tinh thần đổi mới hợp với xu thế thời đại, đó là tín hiệu tốt cho nền giáo dục Việt Nam.

 Điểm nổi bật nhất trong dự thảo chương trình của môn Toán đó là gắn môn toán với thực tiễn, ứng dụng trong cuộc sống và thực hiện liên môn giữa toán với các môn khoa học. Học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông khi đứng trước các vấn đề của cuộc sống sẽ biết cách xây dựng mô hình bài toán cho thực tế đó.

Đồng quan điểm trên, thầy Lưu Huy Thưởng, giáo viên toán tại một cơ sở giáo dục ở Hà Nội cũng chia sẻ: Với chương trình mới, cách tiếp cận trong quá trình xây dựng môn Toán nhằm mục đích phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh và mang môn Toán gần với  thực tiễn hơn. Với cách tiếp cận như vậy, Ban soạn thảo đã cắt bỏ một số kiến thức cồng kềnh, phức tạp, lắt léo. Những kiến thức ít gắn với thực tiễn trong trường trung học phổ thông cũng được cắt bỏ.

Theo thầy Lưu Huy Thưởng, cách tiếp cận này của môn Toán không phải là mới trên thế giới và nhiều nước đã làm thành công nhưng khi thực hiện tại Việt Nam cần phải tính toán tới một số yếu tố, trong đó, có yếu tố con người, nhất là giáo viên. 

Trong chương trình mới, sách giáo khoa không còn là văn bản bắt buộc phải học theo mà trở thành tài liệu tham khảo. Giáo viên có thể tự do sử dụng nhiều nguồn tài liệu tham khảo khác nhau khi giảng dạy. Giáo viên được toàn quyền quyết định công cụ và cách thức thực hiện để đưa môn Toán đến gần với thực tiễn, giúp học sinh dễ dàng nắm bắt được kiến thức.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên Trường trung học phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) ghi nhận sự lắng nghe, tiếp thu ý kiến của Ban soạn thảo khi đã cắt bỏ, giảm tải những nội dung không cần thiết trong môn Toán. Tuy nhiên, thầy Tùng cho rằng, việc cắt bỏ giảm tải chương trình còn theo hướng cơ học, chưa thấy yếu tố khoa học hay tính logic của vấn đề. 

Ví dụ như: Ở chương trình cũ, lượng giác của lớp 10 được dạy nối tiếp sang lớp 11 nhưng sang chương trình mới, lượng giác được học từ đầu học kỳ 1 của lớp 10, sang đầu học kỳ 1 của lớp 11 mới học tiếp, như vậy là quá xa nhau, không logic. Hay như nội dung đạo hàm, trong chương trình mới dự kiến được học sau chương trình mũ loga, như vậy sẽ không thể dùng đạo hàm để khảo sát hàm mũ loga được.

Bên cạnh đó, cấu trúc chương trình của mỗi khối 11, 12 đều giống nhau, có 3 phần chính là Đại số - Số học, Hình học - Đo lường, Xác suất thống kê. Đặc biệt, phần Xác suất thống kê được lặp lại ở mỗi khối 10, 11, 12 tạo cảm giác bị lặp và gây nhàm chán.

Thầy Trần Mạnh Tùng cũng bày tỏ mong muốn về việc xây dựng một bộ chuẩn kiến thức kỹ năng. Bởi Việt Nam đang hướng đến xây dựng nhiều bộ sách giáo khoa, nên nếu không có chuẩn kiến thức kỹ năng thì sẽ không có cơ sở để viết sách, dạy học, kiểm tra đánh giá và ra đề thi.

 Để có được chuẩn kiến thức kỹ năng thì cần có một hội đồng khoa học làm việc kỳ công, tham khảo nhiều nguồn thông tin khác nhau. Vì vậy, để triển khai chương trình này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần lắng nghe ý kiến của nhiều luồng thông tin, điều chỉnh bất cập của sách giáo khoa. 

Tuy nhiên, sách giáo khoa không phải yếu tố quan trọng nhất. Vấn đề quan trọng nhất của đổi mới giáo dục lần này là yếu tố con người. Để đáp ứng được chương trình mới, người giáo viên chắc chắn phải thay đổi rất nhiều cả về kiến thức và phương pháp dạy học. Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có lộ trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên rất cẩn thận, tỉ mỉ...

Việt Hà (TTXVN)
Đổi mới giáo dục chưa thành công có nguyên nhân do nóng vội
Đổi mới giáo dục chưa thành công có nguyên nhân do nóng vội

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, chương trình đổi mới giáo dục có thể lùi nhiều năm, đến khi hội đủ các yếu tố cần thiết để tránh thất bại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN