Dự thảo môn Sinh học: Tăng tính ứng dụng, tạo hứng thú cho người học

Ngay sau khi dự thảo môn Sinh học trong chương trình phổ thông mới được công bố, nhiều giáo viên dạy bộ môn đã tỏ ra hài lòng với những thay đổi trong nội dung chương trình.

Cụ thể, chương trình mới phân hóa được đối tượng người học, tăng tính ứng dụng công nghệ sinh học, tính thực tiễn, từ đó sẽ tạo được hứng thú cho học sinh với môn Sinh học – môn học vốn dĩ từ trước đến nay được coi là “kén” học sinh.

Tăng cường ứng dụng sinh học hiện đại

Chia sẻ về tính ưu việt của môn Sinh học trong dự thảo chương trình phổ thông mới, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phan Đức Duy, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho biết: Trong chương trình giáo dục phổ thông, Sinh học là môn học được lựa chọn theo nguyện vọng và định hướng nghề nghiệp của học sinh. Vì vậy, chương trình môn Sinh học được xây dựng theo hướng vừa đảm bảo tính kế thừa chương trình hiện hành, vừa cập nhật được tri thức hiện đại, đi sâu vào lĩnh vực mũi nhọn. Ví dụ: Phần tiến hóa đã được giảm chỉ còn 6 tiết, vì kiến thức phần này đã được tích hợp trong môn Khoa học Tự nhiên cấp trung học cơ sở. Kiến thức ở các phần sinh học phân tử và sinh học tế bào được tăng cường, xuyên suốt tất cả chủ đề của môn học, làm cơ sở cho học sinh tiếp cận với công nghệ sinh học - một lĩnh vực mũi nhọn của sinh học hiện nay. Các kiến thức ở phần cơ thể cũng được cấu trúc lại để vừa đảm bảo tính hệ thống, tránh hiện tượng lặp lại kiến thức...

Dự thảo môn Sinh học sẽ tạo được hứng thú cho học sinh. Ảnh: Đan Phương

Trong chương trình môn học lần này cũng đã dành một khoảng thời gian thích đáng cho bài mở đầu, ôn tập và kiểm tra (Lớp 10: 16 tiết, lớp 11: 12 tiết, Lớp 12: 12 tiết), giúp cho người học có điều kiện ôn tập, hệ thống hóa kiến thức. Đây là điều mà trước đây cả người dạy và người học ít quan tâm hoặc không có thời gian để thực hiện.

Thầy giáo Nguyễn Vũ Thắng, giáo viên môn Sinh học (hệ thống trường VinSchool tại Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, chương trình Sinh học trong dự thảo chương trình môn học mới đã tập trung phát triển các kiến thức sinh học có tính nguyên lý, làm cơ sở nền tảng cho công nghệ sinh học ứng dụng hiện đại.

Chương trình cung cấp các khái niệm, quy luật, mô hình lý thuyết làm cơ sở thiết kế các mô hình ứng dụng. Các chuyên đề riêng có tích hợp khoa học liên ngành để học sinh lựa chọn phù hợp với năng lực, sở thích, phát triển các kĩ năng tiến trình trong dạy học dự án. Chương trình đi sâu hơn về sinh học phân tử, sinh học tế bào và các thành tựu trong y sinh học, tin sinh học, kĩ thuật môi trường, nông nghiệp, thực phẩm sạch, năng lượng tái tạo… Điều này hứa hẹn sẽ tạo ra hứng thú cho người học vì được tiếp cận một chương trình mới, hay và tăng tính ứng dụng, tính thực tiễn.

Cô giáo Nguyễn Thị Nam Phương, giáo viên bộ môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Việc xây dựng nội dung giáo dục cho thấy có nhiều sự đổi mới, tiến bộ phù hợp với sự phát triển của công nghệ sinh học hiện nay. Điều này thể hiện qua việc xây dựng hệ thống các chuyên đề học tập nhằm mở rộng, nâng cao kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hành để trực tiếp định hướng, làm cơ sở cho các quy trình kỹ thuật, công nghệ thuộc các ngành nghề liên quan đến sinh học.

Việc học theo chuyên đề vừa giúp học sinh tiếp cận với những thành tựu Sinh học mới trên thế giới vừa giúp các em định hướng nghề nghiệp và phát huy được sở trường trong tương lai. Chương trình mới giảm nhẹ kiến thức theo kiểu mô tả, tăng thực hành, tăng học tập ngoài thực địa, liên hệ thực tế. Điều này sẽ giáo dục học sinh tình yêu thiên nhiên, niềm tự hào về sự đa dạng, phong phú của tài nguyên sinh vật Việt Nam, đồng thời giáo dục các em trách nhiệm công dân trong việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn sự đa dạng, phong phú của tài nguyên sinh vật trên trái đất. Phương pháp dạy học mới và dạy học tích cực này sẽ giúp chúng ta  đào tạo được những học sinh năng động, sáng tạo, biết vận dụng kiến thức Sinh học vào đời sống.

Thiết kế sách giáo khoa phù hợp

Để đáp ứng được yêu cầu của chương trình, Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phan Đức Duy, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Huế cho rằng: Cần thiết phải đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tổ chức cho học sinh các hoạt động để chiếm lĩnh kiến thức, dạy học thông qua thí nghiệm, dạy học bằng việc xử lý các bài tập tình huống, dạy học dự án… Trong khi điều kiện của các nhà trường phổ thông của nước ta còn hạn chế, để làm được như vậy, ngoài sự cố gắng của mỗi giáo viên, các Sở Giáo dục và Đào tạo cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng để giáo viên cập nhật, nâng cao kiến thức,  phương pháp dạy học mới.

Mặt khác, theo Phó Giáo sư – Tiến sỹ Phan Đức Duy, đã dạy học theo định hướng phát triển năng lực thì kiểm tra đánh giá cũng phải theo hướng được phẩm chất và năng lực học sinh. Vì vậy, song song với đổi mới chương trình phải đổi mới cả kiểm tra đánh giá, nếu vẫn tồn tại kiểm tra đánh giá theo hướng kiểm tra kiến thức học sinh thu nhận được, kiểm tra theo kiểu “thi gì học đó” thì rất khó để đáp ứng mục tiêu chương trình đã đề ra.

Ngoài ra, các Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch trang bị cơ sở vật chất ở mức tối thiểu cho các trường phổ thông, đặc biệt là ở các trường vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tạo thuận lợi cho giáo viên thực hiện chương trình có hiệu quả.

Theo thầy Nguyễn Vũ Thắng, để có thể triển khai được chương trình môn Sinh học, các trường học cần có kế hoạch hàng năm cho bộ môn phù hợp với đặc điểm của trường về điều kiện cơ sở vất chật. Các trường có thể chủ động kết nối với tổ chức, trung tâm, doanh nghiệp tại địa phương để học sinh có thể trải nghiệm thực tế, góp phần hình thành năng lực khởi nghiệp, định hướng nghề nghiệp trong quá trình học tập, hình thành các dự án sáng tạo, gắn liền với thực tiễn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xây dựng cơ sở dữ liệu để giáo viên, học sinh có thể truy cập sử dụng, bổ sung, cập nhật kịp thời sự phát triển của Sinh học, kết nối với các tổ chức, trung tâm khác trên thế giới.

Bên cạnh đó, các giáo viên kỳ vọng sách giáo khoa sẽ được thiết kế khoa học, logic, có thể theo module, có hình ảnh chụp, hình vẽ 3D, bài tập làm trực tiếp trên sách, hệ thống sơ đồ tư duy; có địa chỉ nguồn tài liệu tham khảo mở rộng, có nhiều thời gian cho học sinh được thực nghiệm tại phòng thí nghiệm, vườn thực nghiệm, trung tâm khoa học…

Cô Nguyễn Nam Phương, giáo viên bộ môn Sinh học, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (Thành phố Hồ Chí Minh) hy vọng, sách giáo khoa môn Sinh học sẽ được thiết kế phù hợp, sinh động với hình ảnh đẹp, chân thật để học sinh dù không chọn môn Sinh theo học lên cao cũng tiếp thu được kiến thức một cách căn bản, dễ hiểu, dễ nhớ.

Việt Hà (TTXVN)
 Diễn đàn Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Cần tăng số môn học định hướng nghề nghiệp
Diễn đàn Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể: Cần tăng số môn học định hướng nghề nghiệp

GS.VS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Nên tăng môn học định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN