Đổi mới giáo dục mầm non phù hợp thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0 nghĩa là phải tiến hành đổi mới căn bản và toàn diện Hệ thống giáo dục mầm non nói riêng, Hệ thống giáo dục quốc dân nói chung. Đổi mới căn bản và toàn diện ở đây có nghĩa là đổi mới sáng tạo mang tính cách mạng nền giáo dục nói chung, hệ thống giáo dục nói riêng.
Bàn về phát triển giáo dục mầm non trong công cuộc đổi mới hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Quốc Bảo cho rằng: Luật Giáo dục được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2020 có hiệu lực từ tháng 7/2020 quy định về giáo dục mầm non. Theo đó, tại điều 23: Xác định “Vị trí, vai trò và mục đích của giáo dục mầm non”. Cụ thể, giáo dục mầm non là cấp học đầu tiên trong Hệ thống Giáo dục Quốc dân, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện con người Việt Nam, thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi.Giáo dục Mầm non nhằm phát triển toàn diện trẻ em về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ hình thành yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào học lớp 1.
Tại điều 24 thì nêu “Yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục mầm non”. Nội dung giáo dục mầm non phải bảo đảm phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em; hài hòa giữa bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng với giáo dục trẻ em; phát triển toàn diện về thể chất, tình cảm, kỹ năng xã hội, trí tuệ, thẩm mỹ; tôn trọng sự khác biệt; phù hợp với các độ tuổi và liên thông với giáo dục tiểu học.
“Giáo dục mầm non luôn luôn là lĩnh vực đòi hỏi người có trách nhiệm không chỉ có nhận thức tốt mà còn phải có cảm xúc tốt tìm ra các giải pháp hợp lý, hợp tình, phát triển phù hợp với hoàn cảnh của đất nước. Song ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải huy động nhân lực, tài lực, vật lực, trước hết là tâm lực phục vụ cho hạnh phúc tuổi thơ của các cháu, cho sự tôn vinh các cô đang nuôi dạy các cháu. Với sự chăm sóc đúng đắn lứa tuổi này cả về tư duy và hành động, Việt Nam ta sẽ có những con người như Lê Quý Đôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh…”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.
Chia sẻ về dự án Robot Captaineye (Dự án giáo dục 4.0), đại diện Công ty cổ phần Virobo cho biết: Để thực hiện dự án có tính khả thi cao, đầu tiên chúng tôi tập trung vào phát triển công nghệ lõi, chế tạo sản xuất, phát triển Robot dịch vụ để bảo vệ sức khỏe, phát triển kỹ năng cho trẻ, gắn kết người thân trong gia đình với trẻ và ứng dụng trong trường học. Đối tượng sử dụng là học sinh mầm non, tiểu học, bố mẹ, người thân của con, giáo viên và nhà trường. Robot Captaineye lấy ý tưởng và nội dung dựa vào nguyên lý của các quyển sách “Dạy con làm việc nhà”, “ Dạy con theo phương pháp người nhật”, “Nói sao cho con nghe lời”, “Bố mẹ đồng hành cùng con” nên khi đồng hành cùng bé chăm sóc bản thân, sức khỏe, làm việc nhà, học tập thì robot sẽ tự động gọi, hướng dẫn, động viên và khen thưởng bé bằng chính giọng của bố mẹ, người thân hoặc giọng mà trẻ yêu thích.
Sứ mệnh của Robot Captaineye nhằm giúp học sinh, trẻ em hiểu về Robot, tiếp cận với robot bằng cách học lập trình, ứng dụng Robot, cài đặt các mong muốn của mình, thói quen của mình qua điện thoại và robot sẽ nhắc nhở, thống kê, đánh giá. Với thông điệp “Lập trình cuộc đời” giúp trẻ em học sinh rèn luyện tính tự giác, kỷ luật, sáng tạo, thói quen sống, học tập, làm việc có mục tiêu. Với thông điệp “Robot Giáo dục cùng trẻ trưởng thành” sẽ đồng hành với trẻ giúp phòng chống được tật cận thị, gù lưng, tránh mâu thuẫn giữa bố mẹ và con cái cũng như mâu thuẫn trong gia đình. Thông qua robot trẻ em có thể truyền tải thông điệp với bố mẹ, cô giáo và ngược lại. Ý nghĩa của Robot Captaineye được sinh ra là giúp cho bố mẹ, con cái gần nhau hơn, có thời gian bên nhau nhiều hơn.
Tại tọa đàm, nhiều diễn giả cùng chia sẻ những nội dung như: chuyển đổi khung mẫu giáo dục trong tiến trình Tam hóa (tức là Hiện đại hóa, Việt Nam hóa, Lành mạnh hóa) giáo dục; Hình thành kỹ năng chống xâm hại cho trẻ mẫu giáo – Vấn đề cấp thiết hiện nay... nhằm đổi mới giáo dục mầm non phù hợp thời đại Cách mạng Công nghiệp 4.0.