Phát triển giáo dục mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất

Ngày 28/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Văn phòng và Tiểu ban Giáo dục mầm non (Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực) phối hợp với Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức Hội thảo quốc gia về chính sách phát triển giáo dục mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất và góp ý dự thảo Nghị định chính sách phát triển giáo dục mầm non.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Nghĩa, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trưởng Tiểu ban Giáo dục mầm non (Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực), phát biểu tại Hội thảo. 

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, thời gian qua, hệ thống giáo dục mầm non nói chung, giáo dục mầm non ở các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất nói riêng đã có nhiều phát triển cả về quy mô và chất lượng chăm sóc trẻ. Tuy nhiên, so với tình hình tăng dân số cơ học ở các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, mạng lưới trường, lớp mầm non chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ. Công nhân, người lao động phải gửi con ở các cơ sở giáo dục mầm non kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ.

Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Luật Giáo dục năm 2019 đã được thông qua có quy định nhiều nội dung về chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp. Điều này tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc phát triển giáo dục mầm non nói chung và phát triển các trường mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất. Để tiếp tục hoàn thiện Nghị định chính sách phát triển giáo dục mầm non, Bộ tiếp tục lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các địa phương về đề xuất các chính sách, từ đội ngũ giáo viên, chăm sóc trẻ đến chính sách đối với chủ đầu tư...

Nhấn mạnh tới sự cần thiết của việc xã hội hóa giáo dục mầm non, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Lệ Xuân, Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, với các địa phương có các khu chế xuất, khu công nghiệp, nơi có sự tập trung của công nhân, lực lượng dân số trẻ, thì nhu cầu giáo dục mầm non là rất lớn mà địa phương không đáp ứng được. Trong điều kiện hạn chế về nguồn lực từ ngân sách, lĩnh vực giáo dục mầm non cần huy động sự tham gia, đóng góp của toàn xã hội. Vì vậy, xã hội hóa là điều cần thiết để chia sẻ bớt gánh nặng cho giáo dục mầm non công lập; góp phần đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân, đặc biệt là những khu vực tập trung khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn cho việc thực hiện các hợp đồng hợp tác công - tư trong lĩnh vực giáo dục nói chung, giáo dục mầm non nói riêng vẫn còn thiếu. Vì vậy các Bộ ngành cần có văn bản hướng dẫn cụ thể để việc thực hiện hợp tác, xã hội hóa diễn ra thuận lợi hơn.

Các đại biểu cho rằng, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành các chính sách cụ thể hơn trong phát triển giáo dục mầm non, từ phát triển đội ngũ, chăm sóc trẻ đến chính sách dành cho các chủ đầu tư. Bên cạnh chính sách chung, mỗi địa phương cũng có thể có chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư cho giáo dục mầm non ở khu công nghiệp, khu chế xuất; giải quyết nút thắt về quỹ đất cho giáo dục mầm non. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách đồng bộ giữa chế độ nghỉ thai sản và quy định về độ tuổi nhận trẻ vào các trường mầm non công lập, tạo điều kiện cho công nhân gửi con vào những cơ sở giáo dục mầm non đạt yêu cầu, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho mọi trẻ em.

T.Hoài (TTXVN)
Phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non
Phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định số 33/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN