Giáo dục mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất còn hạn chế

Cùng với mạng lưới trường mầm non công lập, trường mầm non tư thục và các nhóm trẻ độc lập tư thục đã góp phần đáp ứng nhu cầu gửi cho của con công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Tuy nhiên, giáo dục mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn còn khó khăn, hạn chế. Đây là nhận định của các đại biểu tại Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm mô hình cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất do Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với UNICEF tại Việt Nam tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày 11-12/12.

Cả nước hiện có 17 tỉnh, thành tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp có trên 50.000 lao động như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên…

Theo các đại biểu, mạng lưới trường mầm non công lập chưa đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân cả về số lượng thời gian giữ trẻ không phù hợp với lịch làm việc theo ca của công nhân. Cùng với nhu cầu lao động tăng lên, tại các địa phương này nhu cầu về giáo dục, đặc biệt là nhu cầu gửi trẻ mầm non của công nhân, người lao động cũng tăng cao. Những địa phương này có 1.467 trường mầm non ở các khu vực dân cư gần khu chế xuất, khu công nghiệp, với gần 900.000 trẻ mầm non đến trường, trong số đó con công nhân chiếm trên 24%.

Chia sẻ những khó khăn từ thực tế, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để đáp ứng nhu cầu rất lớn về chỗ gửi trẻ cho con công nhân trong điều kiện làm việc theo ca, năm học 2016-2017, thành phố thí điểm giữ trẻ ngoài giờ ở một số đơn vị. Tuy nhiên, hoạt động này gặp một số khó khăn, cụ thể khi giáo viên làm quá giờ sẽ vi phạm Luật Lao động, trong khi đó biên chế giáo viên không đủ để chia theo ca. Vì vậy, Sở mong muốn Trung ương nghiên cứu tháo gỡ khó khăn, ưu tiên tăng biên chế giáo viên ở những trường gần khu công nghiệp, khu chế xuất để có thể đủ giáo viên để chia ca tổ chức giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân.

Trong khi đó, việc phát triển trường mầm non tư thục cũng gặp nhiều khó khăn. Mức thu nhập của công nhân còn hạn chế nên họ ít lựa chọn trường mầm non tư thục để gửi con do mức phí cao. Một trong những mô hình được đánh giá hiệu quả là trường mầm non do doanh nghiệp sử dụng lao động xây dựng phục vụ con công nhân, người lao động của doanh nghiệp mình. Tuy nhiên, theo thống kê, mới chỉ có 6/17 tỉnh, thành phố có doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất đầu tư xây dựng trường mầm non cho người lao động.

Vì vậy, hầu hết công nhân lựa chọn gửi con ở các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục bởi đáp ứng nhu cầu thực tế của họ. 17 tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất nêu trên có hơn 3.200 nhóm, lớp tại khu vực có khu chế xuất, khu công nghiệp, huy động hơn 155.000 trẻ đến lớp. Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mô hình này còn hạn chế, cả về cơ sở vật chất, các điều kiện về an toàn cho trẻ...

T.Hoài (TTXVN)
Hà Nội tập trung thanh tra cơ sở giáo dục mầm non
Hà Nội tập trung thanh tra cơ sở giáo dục mầm non

Ngày 14/8, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng cho biết, trong năm học 2018 - 2019, Sở sẽ tập trung, chú trọng công tác thanh tra các cơ sở giáo dục mầm non, nhất là các cơ sở ngoài công lập và các nhóm trẻ tư thục về việc thực hiện các quy định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN