Quy chế kỳ thi THPT quốc gia với nhiều nội dung đổi mới đang được các địa phương gấp rút phổ biến tới các trường học. Những vấn đề như tư vấn, ôn tập, tư vấn về những vấn đề còn băn khoăn, thắc mắc… đang được các địa phương gấp rút thực hiện. Ráo riết tư vấn, ôn tập cho thí sinhNgay sau khi quy chế kỳ thi THPT quốc gia được ban hành, các địa phương đã kịp thời tổ chức các buổi phổ biến, tư vấn và lắng nghe ý kiến từ cơ sở. Đây được xem là khâu quan trọng và một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng,… đã thực hiện tốt.
Thí sinh nhận được nhiều thông tin tại ngày hội tư vấn tuyển sinh. |
Hà Nội là một trong những nơi triển khai sớm. Hàng loạt các “đầu việc” đã được Sở GD - ĐT Hà Nội đưa ra trong buổi phổ biến quy chế với lãnh đạo nhiều trường THPT.
Cụ thể, các trường cần xây dựng kế hoạch để đảm bảo hoàn thành chương trình theo đúng thời gian quy định; thực hiện dạy đúng, dạy đủ chương trình; bám sát yêu cầu chuẩn kiến thức và kỹ năng, đảm bảo cho học sinh có đủ điều kiện dự thi; tổ chức bồi dưỡng, phụ đạo học sinh, học viên có học lực yếu kém, học sinh nước ngoài, thí sinh tự do xin ôn tập.
Ngày 15/3, Sở GD - ĐT Hà Nội sẽ phối hợp với Bộ GD - ĐT và báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh tổ chức buổi tư vấn tuyển sinh cho hàng ngàn thí sinh tại Hà Nội. Tại đây, chuyên gia tuyển sinh là lãnh đạo các trường đại học ở Hà Nội sẽ giải đáp các thắc mắc của thí sinh.
Về công tác dạy và học, Sở GD- ĐT Hà Nội yêu cầu các trường hướng dẫn học sinh nắm vững các kiến thức, tránh học tủ, học vẹt; học theo hướng hiểu để phân tích, bình luận và dành nhiều thời gian cho việc tự học; đề thi có câu hỏi mở yêu cầu học sinh biết vận dụng trả lời; đề thi có tính phân hóa. Phổ biến cho học sinh kỹ năng khi làm bài, đảm bảo cho học sinh có đủ kỹ năng dự thi, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD - ĐT nhấn mạnh: Các trường cần tổ chức học tập quy chế thi THPT cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh lớp 12 dự thi và nhấn mạnh những điểm mới trong quy chế thi.
Theo ông Nguyễn Đức Lương, Phó Giám đốc Sở GD- ĐT Hòa Bình, ngay sau khi Bộ GD- ĐT ban hành quy chế thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy, Sở đã yêu cầu các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề, phổ biến hai quy chế tới toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, học viên đang học lớp 12.
“Sở đang tập hợp thống kê báo cáo của các trường về số lượng học sinh, học viên đăng ký tham dự kỳ thi THPT quốc gia chỉ lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT và số lượng học sinh dự thi với 2 mục đích xét tốt nghiệp và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ. Dựa trên thống kê này, Sở yêu cầu các trường lên kế hoạch ôn tập phù hợp”, ông Nguyễn Đức Lương khẳng định.
Một trong những ưu tiên tiếp theo là việc tổ chức ôn tập cho học sinh. Sở GD - ĐT Hà Nội yêu cầu các trường THPT phải thông báo cho cha mẹ học sinh nắm rõ tình hình học tập của học sinh, đặc biệt là những học sinh có học lực yếu, kém có thể không đủ điều kiện dự thi. Học sinh phải được phổ biến kỹ năng khi làm bài, đảm bảo có đủ kỹ năng dự thi, đặc biệt là kỹ năng làm bài theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Còn ông Trần Đức Minh, Giám đốc Sở GD - ĐT Bình Định cho biết, đến thời điểm này, thí sinh cần tự đánh giá năng lực bản thân để tham khảo ý kiến thầy cô về việc lựa chọn môn tự chọn. Song song với đó là các trường phải thực hiện kế hoạch ôn thi. Đặc biệt quan tâm tới những học sinh yếu, trung bình. Phân loại học sinh để tổ chức lớp ôn tập phù hợp.
Trong buổi làm việc mới đây với Bộ GD- ĐT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo từ nay cho đến trước khi tổ chức thi, Bộ cần tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện các quy định sao cho tạo được sự đồng thuận cao nhất trong toàn xã hội. Đồng thời, Bộ cần sớm có hướng dẫn chi tiết về đề thi để các trường tổ chức ôn tập. |
TP Hồ Chí Minh cũng đã sớm có hướng dẫn việc tổ chức ôn tập cho học sinh khối 12, trong đó nhấn mạnh đến học sinh yếu kém. Sở chỉ đạo lãnh đạo nhà trường tổ chức các lớp phụ đạo theo môn ngay từ đầu học kỳ 2, chọn lọc giáo viên giảng dạy phù hợp và lớp không quá 25 học sinh.
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD - ĐT TP Hồ Chí Minh yêu cầu việc tổ chức ôn tập này phải dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh. Nội dung ôn tập tập trung vào việc vừa ôn tập kiến thức, vừa giúp học sinh làm quen với cách thức làm bài thi nhằm đảm bảo vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để xét tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ).
Vẫn lúng túng trong ôn tậpTuy nhiên, những nội dung chỉ đạo tới các trường cũng chỉ dừng lại ở mức chung chung theo quy chế. Điều giáo viên, học sinh cần hơn cả là những hướng dẫn chi tiết trong ôn tập từng bộ môn mà Bộ GD- ĐT cần sớm ban hành. Điều này đã được nhấn mạnh trong cuộc họp bàn giữa Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD - ĐT.
Một hiệu trưởng trường THPT tại Ninh Bình bày tỏ: “Trường vừa tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia theo dạng thử nghiệm nhằm đánh giá năng lực của học sinh. Nhưng việc làm này cũng chỉ là giải quyết tâm lý và mang hình thức ôn tập bình thường. Cái cần nhất bây giờ là hướng dẫn chi tiết của bộ cho từng môn thi. Hoặc cần cho thông tin có hay không sự phân hóa trong chương trình cơ bản và chương trình nâng cao trong đề thi năm nay”.