Đề thi môn tiếng Anh hay và có tính phân hóa cao

Kết thúc môn thi Ngoại ngữ vào chiều nay, rất nhiều thí sinh tại TP Hồ Chí Minh tỏ ra rất hào hứng, phấn khởi và cho rằng đề thi không quá khó và có tính phân loại cao.


Tại điểm thi trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn, thí sinh Quốc Đạt, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, cho biết: Đề thi sát với chương trình học của tụi em, em làm được khoảng 70%, có một số câu đọc hiểu cũng khó, em không làm xong. Vì không theo ban D nên em nghĩ được 70% đề thi với em là đã rất tốt rồi. So với môn Toán thì em nghĩ đề thi tiếng Anh cũng không khó hơn nhiều.


Tại điểm thi trường THPT Lê Quý Đôn, thí sinh Trần Ngọc Bích, trường THPT Ngô Quyền (Vũng Tàu) cho biết: So với em thì đề thi hơi khó bởi em không thiên về khối D. Đề đa số nằm trong chương trình ôn. Đề này em thấy khó nhất là ở phần viết, bởi phần viết đòi hỏi thí sinh phải vận dụng nhiều kiến thức vừa từ vựng, ngữ pháp và ngay cả vốn kiến thức xã hội của mình. Vì không phải là môn thi xét vào đại học của em nên e cũng hài lòng với bài làm của mình. Em nghĩ mình làm được trên 50 %.


Đề thi tiếng Anh năm nay có tính phân loại cao.


Thầy Trương Xuân Nhất, Giáo viên Tiếng Anh trường Học Trực tuyến Sài Gòn, đánh giá: Đối với học sinh trung bình có thể đạt được từ 5-6 điểm, nhưng để đạt được điểm 9-10 thì không dễ vì đề có một số câu khó mang tính chất phân loại cao. Nếu học sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp thì các em có thể dễ dàng vượt qua.


Cụ thể ở phần đọc hiểu, đề có 2 bài đọc hiểu thuôc lĩnh vực "Globle Warming” và “Poverty”. Đây là những bài đọc mang tính thời sự toàn cầu, bài đọc tương đối dễ, tuy nhiên học sinh cũng cần phải có từ vựng vì bài đọc cũng có một số từ ngoài SGK và có một số từ khó. Đề mang tính chất phân loại giữa thí sinh thi tốt nghiệp và thí sinh xét tuyển đại học khối A1 và D1; phần điền từ vào chỗ trống cũng không khó lắm vì học sinh có thể dựa vào vị trí word form, cấu trúc và về nghĩa trong câu để chọn đúng đáp án...; phần từ vựng: Phong phú và có mức độ khó cũng tăng dần qua các bài đọc hiểu nhằm phân hóa học sinh khá rõ; phần cấu trúc ngữ pháp khá dễ ở các điểm cơ bản như: mệnh đề quan hệ, câu bị động, câu điều kiện, hình thức so sánh đặt vào tình huống rõ ràng, giúp học sinh vận dụng được kiến thức đã được học ở những năm THPT. Tuy nhiên, đề cũng khá phức tạp ở một số câu về ngữ động từ nhằm để phân loại điểm 9,10. Đề cũng mang tính thời sự về SEA Games 28- Nguyễn Thị Ánh Viên; phần từ đồng nghĩa là những từ quen ở SGK nên học sinh có thể làm được nhưng phần từ phản nghĩa khá khó ở câu 52 và 54 MĐ 362 vì thế các em phải đoán nghĩa của câu để chọn từ; phần trọng âm và phát âm: khá dễ vì từ quen thuộc, phần lớn ở SGK lớp 12. 


Học sinh chỉ cần nắm được các quy tắc dấu nhấn, phát âm và để ý thêm các trường hợp ngoại lệ của từng dạng là làm tốt; phần viết lại câu cấu trúc ngữ pháp quen thuộc và cũng sát với cấu trúc đề thi thử của Bộ; phần sửa lỗi câu khá đơn giản, đều rơi vào những điểm cơ bản, học sinh trung bình có thể nhận dạng và làm được. Phần tự luận:The benefits of reading books: Kiến thức bài đọc nằm trong bài 11 SGK tiếng Anh lớp 12 cơ bản. Học sinh cần viết câu chủ đề, viết câu đơn giản, viết mạch lạc, có kĩ năng tổng hợp về ngữ pháp-từ vựng và kĩ năng viết cơ bản, sử dụng từ nối, kết hợp các điểm ngữ pháp đã học trong chương trình, làm rõ ý trọng tâm về lợi ích của việc đọc sách đã được gợi ý trong đề là có thể đạt điểm.


Kết thúc ngày thi đầu tiên thí sinh khá hài lòng với cách ra đề của hai môn thi.


Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Bùi Văn Ga nhận định, đề thi năm nay có 60% là kiến thức cơ bản, hoàn toàn nằm trong chương trình phổ thông, trọng tâm là chương trình lớp 12; 40% còn lại là những câu khó và rất khó. Đề thi nhằm phân loại thí sinh với 2 mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Đặc biệt, một số vấn đề thời sự đã được đưa vào đề thi như: Hội chứng viên đường hô hấp Trung Đông (MERS – CoV) có trong đề Toán và thông tin về vận động viên bơi lội Ánh Viên có trong đề tiếng Anh… Những nội dung này giúp thí sinh hào hứng, vận dụng kiến thức thực tiễn khi làm bài.

Đan Phương ( TP Hồ Chí Minh)
Hình ảnh người lính Trường Sa, Hoàng Sa đi vào đề thi ngữ văn
Hình ảnh người lính Trường Sa, Hoàng Sa đi vào đề thi ngữ văn

Bước ra khỏi phòng thi sau 180 phút căng thẳng, nhiều thí sinh có tâm trạng thoải mái. Các thí sinh tỏ ra thích thú với đề thi Văn gồm 10 câu hỏi trong đó nhiều vấn đề thời sự được đề cập đến như vấn đề biển đảo, hội chứng vô cảm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN