Hình ảnh người lính Trường Sa, Hoàng Sa đi vào đề thi ngữ văn

Bước ra khỏi phòng thi sau 180 phút căng thẳng, nhiều thí sinh có tâm trạng thoải mái. Các thí sinh tỏ ra thích thú với đề thi văn gồm 10 câu hỏi, trong đó nhiều vấn đề thời sự được đề cập đến như biển đảo, hội chứng vô cảm.


Tại điểm thi ĐH Bách Khoa (Hà Nội), một số thí sinh ra sớm khi mới chỉ hết 2/3 thời gian làm bài. Các em chia sẻ rằng đề văn năm nay tương đối dễ, vừa sức và phát  huy được tính sáng tạo của học sinh.


Những thí sinh ra khỏi phòng thi đầu tiên tại điểm thi ĐH khoa học tự nhiên, Hà Nội. Ảnh: Ninh Thu


Em Đỗ Thị Ngọc Mai (Hà Nội) cho biết: “Em thấy đề thi năm nay khá hợp lý, phần kiến thức trọng tâm chiếm nhiều điểm nhất nằm trong chương trình lớp 12. Do đã ôn tập kỹ ở trường, nên em làm khá tốt bài thi và hy vọng sẽ được điểm cao”.


Em Phương An ( học sinh trường Hoàng Văn Thụ - Hà Nội) nhận xét : “Theo em thì đề thi năm nay mang tính thời sự cao, câu hỏi nghị luận xã hội về kỹ năng sống khá khó nên em không lấy được nhiều dẫn chứng thực tế lắm. Nhưng em cũng tự tin mình làm tốt bài thi khoảng 70%.”


Tại điểm thi ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), sau khi kết thúc buổi thi, nhiều thí sinh nhanh chóng ra về, do không phải thi thêm môn buổi chiều. Các thí sinh ở lại trường buổi trưa được các tình nguyện viên phát những hộp cơm miễn phí đã chuẩn bị sẵn. Theo ghi nhận của phóng viên, thí sinh và người nhà đều có chỗ nghỉ ngơi chuẩn bị cho bài thi buổi chiều.


Tại điểm thi ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, thí sinh Ngô Minh Tuấn (THPT Trần Hưng Đạo), là thí sinh đầu tiên bước ra khỏi phòng thi,  chia sẻ: "Đề văn năm nay rất hay nhưng em lại không viết được nhiều, em làm được khoảng 5 điểm, đủ điểm để tốt nghiệp".


Em Nguyễn Thị Huyền Trang (THPT Trần Hưng Đạo) khá lạc quan: “Em thấy đề văn tương đối dễ và vừa sức, bố cục của đề cũng dễ hiểu, đề có đan xen một vài yếu tố thời sự rất hay, em ôn khá “trúng tủ” và làm bài được khoảng 80%”.


Em Trần Thế Thái (THPT Lý Nhân, Hà Nam) chia sẻ: “Đề văn dễ, em thích nhất là câu nghị luận xã hội về ký năng sống, với lại mặc dù em chẳng ôn tác phẩm nào


Ở khu vực phía Nam, nhiều thí sinh tại một số địa điểm thi như ĐH Quốc Gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Đại học Sài Gòn cho biết khá thích thú với những vấn đề đặt ra trong đề thi môn Ngữ văn năm nay.


Bước ra khỏi các hội đồng thi, hầu hết thí sinh đều thở phào nhẹ nhõm với đề thi môn Văn năm nay. Hầu hết các thí sinh đều cho rằng đề thi không khó và không thách đố thí sinh. Bên cạnh đó, phần nghị luận xã hội và phần bài đọc đều đề cập đến những vấn đề rất gần gũi với học sinh. Tại hội đồng thi trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân Văn TP Hồ Chí Minh, thí sinh Phương Hà - học sinh trường THPT Trấn Biên (Biên Hòa- Đồng Nai) phấn khởi chia sẻ: Đề không khó, nhưng có câu em chưa kịp ôn vì phần ôn tập rất nhiều. Trong đề em thấy ấn tượng nhất là câu nghị luận xã hội "Rèn luyện kỹ năng sống cũng cần thiết như việc tích lũy kiến thức" bởi vấn đề đưa ra nó thiết thực với cuộc sống của chúng em. Trong bài làm của em, em đã đưa ra tầm quan trọng của cả kỹ năng sống và tích lũy kiến thức. Qua đó, em cho rằng nếu thiếu một trong hai đều không được bởi cả hai bổ sung cho nhau. Chúng ta không nên đề cao cái nào quan trọng hơn cái nào mà phải có cả hai và việc đó phải bổ sung, song hành với nhau.


Hầu hết các thí sinh đều rất phấn khởi vì đề Ngữ Văn không quá khó.


Còn thí sinh Minh Tâm - trường THPT Gia Định, thì lại thấy thích thú với bài đọc hơn vì trong đó đề cập đến "Hội chứng vô cảm và căn bệnh trơ cảm xúc trước niềm tin, nhất là nỗi đau của người khác...". Minh Tâm chia sẻ: Đề Văn thi năm nay còn dễ hơn đề Văn thi thử. Đề ra không khó và câu hỏi cũng rất cụ thể, rõ ràng. Trong tất cả các câu em thấy thích câu bài đọc hiểu nói về hội chứng vô cảm. Bởi khi đọc đoạn Văn em thấy rất nhiều cảm xúc và em thấy thích nhất đoạn trong đó có nói: Người ta chỉ lo túi tiền mình rỗng đi nhưng lại không lo tâm hồn mình đang bị vơi cạn, khô héo. Với đề văn này em nghĩ mình có thể làm được 6 -8 điểm.


Vấn đề vô cảm và kỹ năng sống được đưa vào đề thi môn Ngữ văn không bất ngờ với các thí sinh


Tại hội đồng thi Trường Đại học Sài Gòn, khi vừa hết 2/3 thời gian nhiều thí sinh đã nộp bài về sớm. Nhiều thí sinh rất hào hứng với đề thi năm nay, đặc biệt câu hỏi cảm nhận về về người lính đảo từ đoạn thơ trong bài thơ “Hát về một hòn đảo” của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Thí sinh Cao Thị Hoài, Trung tâm Giáo dục thường xuyên Quận 6, thi tại Hội đồng thi Trường Đại học Sài Gòn, kể: Em thích nhất câu 4 trong phần I hỏi về tình cảm của chúng em với người lính đảo. Đây là câu hỏi hay, tạo nhiều hứng thú cho em khi làm bài. Câu hỏi đã giúp chúng em thể hiện tình cảm thương mến với những lính ngày đêm canh giữ biển đảo của Tổ quốc. Em thật sự cảm động về sự hy sinh cao cả của người lính.


Thí sinh tranh thủ ngồi xem lại bài trước khi vào thi môn Vật lý buổi chiều.


Thầy Đỗ Đức Anh – THPT Bùi Thị Xuân (TP Hồ Chí Minh), đánh giá: Đề thi Ngữ văn năm nay tương đối dễ, không có nhiều bất ngờ. Về cơ bản, đề chính thức có cấu trúc và cách ra câu hỏi không khác so với đề minh hoạ mà Bộ giáo dục đã công bố vào tháng 3/2015. Câu đọc hiểu không làm khó thí sinh vì vấn đề đưa ra tương đối dễ dàng, mang tính thời sự. Với 8 câu hỏi nhỏ, học sinh có thể dễ dàng ẵm trọn 3 điểm. Một lần nữa vấn đề biển đảo được nhấn lại trong đề thi năm nay (đề tốt nghiệp THPT 2014 cũng ra về vấn đề biển Đông. Năm nay là bài thơ của Trần Đăng Khoa về biển đảo).


Thầy Đỗ Đức Anh cho rằng: Vấn đề vô cảm và bạo lực cũng không có nhiều mới mẻ vì phần lớn các em học sinh đều được làm bài về vấn đề này trong quá trình học tập từ nhiều năm nay. Hơn nữa, năm nay vấn đề bạo lực học đường trở thành vấn đề nóng nên giáo viên Ngữ văn cũng có sự chuẩn bị cho các em về các thông tin cũng như cho các em trình bày chính kiến về vấn đề này.


Với câu hỏi 4 và câu hỏi 8, đề thi hướng tới đáp án mở để học sinh được trình bày suy nghĩ của mình một cách chân thành về hình ảnh người lính biển và vấn đề “vun đắp cho tâm hồn” trong một xã hội mà con người ta ngày càng chạy theo vật chất.


Còn câu nghị luận xã hội không lắt léo, vấn đề đưa ra không lắt léo. Học sinh có thể nhận diện được dễ dàng vì vấn đề cần nghị luận được nêu ra một cách trực tiếp: “Việc rèn luyện kĩ năng sống cũng quan trọng như việc tích luỹ kiến thức”. Vấn đề đưa ra được coi là một lời cảnh tỉnh, khi mà cách học nhồi nhét không thiết thực chi phối chúng ta quá lâu thì việc học kĩ năng sống là vô cùng quan trọng nhưng không phải ai cũng nhận ra. Trong thời gian vừa qua, trên nhiều tỉnh thành, nhất là TP Hồ Chí Minh, đã đưa môn văn đến gần hơn với học sinh bằng nhiều dự án thiết thực với cuộc sống. Các em được học nhiều kĩ năng, thậm chí nhiều trường còn đưa cả môn giáo dục kĩ năng sống vào trường học như một môn học bắt buộc. Do đó, các em học sinh hoàn toán có thể nhận ra và đánh giá vấn đề nghị luận trong đề thi là hoàn toán đúng đắn.


Ở câu nghị luận văn học, chọn tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của cố nhà văn – đại tá Nguyễn Minh Châu và nhấn mạnh ở lòng thương con vô bờ bến, đức hi sinh của người mẹ, tình mẫu tử thiêng liêng và cách nhìn nhận, đánh giá của người nghệ sĩ về con người và cuộc sống (phải đa diện, nhiều chiều, phải nhìn cả bề sâu, bề sau và bề xa). Đề bài không yêu cầu phân tích trọn vẹn người đàn bà hàng chài mà chỉ phân tích dựa vào đoạn trích đã cho nên khá ngắn gọn. Vì vậy về khoản thời gian làm bài, thí sinh sẽ có nhiều thời gian để viết sâu hơn. Ở câu này, thí sinh sẽ không gặp khó khăn gì nếu đọc kĩ tác phẩm và lắng nghe thầy cô chia sẻ trên lớp. Nhiều sở giáo dục, nhiều trường THPT trong cả nước cũng đã chọn vấn đề về người đàn bà hàng chài để ra trong đề thi thử cho nên nhiều sĩ tử sẽ rất vui mừng khi đọc đề này trong đề thi chính thức. (Ví dụ Sở GD&ĐT TP.HCM đã chọn lòng thương con của người đàn bà hàng chài trong "Chiếc thuyền ngoài xa" và bà cụ Tứ trong "Vợ nhặt" để so sánh). Cho nên, có thể nói nhiều thí sinh "trúng tủ" với câu nghị luận văn học.


"Nhìn chung đề thi thiết thực ở câu đọc hiểu và nghị luận xã hội. Riêng câu nghị luận văn học, nhiều giáo viên và học sinh chờ đợi dạng đề so sánh văn học, hoặc làm rõ một nhận định, một ý kiến bàn về tác phẩm thì không thấy. Đề thi chiếm trọn vẹn 2 trang giấy nhưng không gây khó khăn cho học sinh về mặt thời gian làm bài vì nội dung tương đối gọn gàng. Một thí sinh viết tốt có thể chỉ cần sử dụng 150 phút là có thể hoàn thành bài thi. Với đề này, một học sinh trung bình cũng có thể đạt điểm 6 trở lên", thầy Đỗ Đức Anh đánh giá.


Chiều nay các thí sinh sẽ bước vào bài thi môn vật lý với thời gian 90 (từ 14h30 đến 16h).


Lê Vân – Ninh Thu – Lê Nguyên – Đan Phương
Hai thí sinh phải nhập viện khi làm bài thi
Hai thí sinh phải nhập viện khi làm bài thi

Một thí sinh bị đau ruột thừa và một thí sinh bị đau bụng. Hai thí sinh này thuộc cụm thi ĐH Lâm nghiệp và ĐH Bách khoa Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN