Theo TS Trịnh Thu Tuyết, nguyên giáo viên dạy Ngữ văn trường THPT chuyên Chu Văn An, nếu so với sự mơ hồ và quá quen thuộc của đề thi môn văn chuyên năm 2018, có thể thấy đề văn chuyên năm 2019 có sự thay đổi về chất lượng rất đáng ghi nhận.
“Câu nghị luận xã hội đặt vấn đề sáng rõ, thiết thực và khá sâu sắc cho đối tượng học trò trước ngưỡng chuyển cấp, đồng thời cũng tiềm tàng khả năng sáng tạo và thể hiện suy nghĩ, quan điểm riêng của bản thân. Tuy nhiên, giá như câu lệnh thêm cụm từ: “Dựa vào nội dung đoạn trích, hãy ...” thì yêu cầu nghị luận sẽ chặt chẽ hơn”, TS Trịnh Thu Tuyết phân tích.
TS Trịnh Thu Tuyết cho biết, câu nghị luận văn học có yêu cầu nghị luận khá sáng rõ, giúp học sinh định hướng luận điểm mạch lạc. Nội dung nghị luận đề cập tới một vấn đề rất cơ bản của lí luận về tác phẩm văn học, cụ thể là hai giá trị thời sự và muôn đời của văn chương, đó cũng là những nội dung được thể hiện sâu sắc và xúc động trong truyện ngắn Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Vậy là vấn đề lý luận được soi sáng qua tác phẩm văn chương phù hợp, có chiều sâu cho cảm thụ và độ rộng cho suy tưởng cá nhân. Đề bài sẽ thể hiện tính khoa học hơn nếu vấn đề nghị luận được thể hiện trong một nhận định có xuất xứ rõ ràng, chuẩn xác.
Đối với đề Toán, TS Phạm Ngọc Hưng, Giáo viên Toán của Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: Đề thi Toán chuyên Hà Nội năm nay có cấu trúc và độ khó tương đương năm 2018, đề gồm 5 bài toán rải đều trên các lĩnh vực đại số, số học, hình học và dạng toán rời rạc. Đề thi có tính phân loại cao, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9, một số bài toán phải sử dụng kiến thức lớp dưới để giải. Các dạng bài toán ở mức độ vận dụng trung bình đến vận dụng cao. Đề thi phù hợp để lựa chọn học sinh có đam mê toán học và mong muốn học chuyên Toán. Học sinh ôn thi chuyên tốt có thể đạt khoảng 6-7 điểm, ít điểm 9-10.
Cụ thể, câu 1a, Giải phương trình chứa căn thức, đây là dạng bài toán cũng không quá khó, khởi động cho một bài thi. Học sinh có thể giải được bằng cách đặt ẩn phụ, chuyển từ phương trình thành hệ phương trình. Câu 1b cũng là dạng toán giải hệ phương trình.
Câu 2: Giống năm 2018, đề thi năm nay cũng có một bài toán 2 điểm với bài toán số học. Ý thứ nhất là một bài toán chia hết, ta có thể xét tính chẵn lẻ, tính chia hết để giải bài. Ý thứ 2 tương đối khó khăn hơn với học sinh. Học sinh cần nắm vững kiến thức về số chính phương để giải được bài.
Câu 3: Là một bài toán chứng minh bất đẳng thức và tìm giá trị lớn nhỏ. Ý thứ nhất học sinh có thể giải được nếu để ý và biến đổi biểu thức K theo giả thiết. Ý thứ 2 phức tạp hơn một chút, đó là vận dụng kiến thức nâng cao của bài toán tìm giá trị lớn nhỏ.
Câu 4: Là một câu hình học có liên quan đến đường tròn ngoại tiếp và nội tiếp tam giác. Đây là một bài toán có tính phân loại, đòi hỏi học sinh có kỹ năng vẽ và giải các bài toán hình học tốt.
Câu 5: Đây là một bài toán tô màu, thuộc dạng toán rời rạc. Ý thứ nhất là dạng quen thuộc, học sinh ôn tập tốt là hoàn toàn giải được. Ý thứ hai khó khăn hơn nhiều so với ý thứ nhất, cũng là một phần của đề thi nhằm chọn ra học sinh đạt điểm số cao.
Đánh giá chung về đề thi, thầy Hồng Trí Quang, giáo viên môn Toán, Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: Đề thi có tính phân loại tốt, học sinh có thể giành trọn điểm ở: Câu I: giải phương trình, hệ phương trình. Câu II. Bài toán chia hết và nghiệm nguyên. Câu IV: Hình học (ý 1 và 2). Câu III ý 1; các câu phân loại nằm ở những câu bất đẳng thức Câu III.2, Hình học câu IV.3 và câu V.2. Mặc dù cấu trúc đề thi không đổi so với những năm trước, nhưng đề tương đối khó, phổ điểm học sinh đa số ở khoảng 6 điểm.