Đề thi chủ yếu nằm trong chương trình chuẩn kiến thức kỹ năng lớp 9
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết: Nội dung thi đựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chủ yếu thuộc chương trình lớp 9. Nội dung hệ song bằng tú tài: Thi các môn tiếng Anh, Toán, Vật lý, Hoá học bằng tiếng Anh theo chuẩn Cambridge Assessment International Education (CAIE).
Thí sinh lưu ý đối với các môn không chuyên có môn Toán, Ngữ văn thi theo hình thức tự luận. Môn Ngoại ngữ có 2 phần là tự luận và trắc nghiệm khách quan tách rời nhau. Phần thi trắc nghiệm khách quan được trình bày trên Phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính. Môn Lịch sử thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên Phiếu trả lời trắc nghiệm và được chấm bằng phần mềm máy tính. Các môn chuyên thi theo hình thức tự luận, riêng môn Ngoại ngữ chuyên là kết hợp giữa tự luận và trắc nghiệm trên cùng một bài thi để đánh giá kỹ năng nghe, đọc, viết.
Những thí sinh đăng ký vào lớp 10 THPT công lập không chuyên sẽ dự thi các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử tại điểm coi thi của trường THPT đăng ký nguyện vọng 1. Học sinh đăng ký vào lớp 10 THPT chuyên sẽ dự thi ba môn không chuyên gồm Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ tại điểm coi thi của trường mà học sinh có nguyện vọng 1 của “môn chuyên đầu tiên” (là môn chuyên học sinh thi đầu tiên theo lịch). Học sinh dự thi các môn chuyên tại điểm coi thi của trường đăng ký nguyện vọng 1 của môn chuyên đó.
Đối với những học sinh đăng ký vào lớp 10 chương trình song bằng tú tài sẽ dự thi bốn môn gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử vào ngày 2- 3/6 tại điểm thi của trường THPT đăng ký nguyện vọng 1. Ngày 5/6, học sinh dự thi các môn bằng tiếng Anh tại điểm thi THPT Chu Văn An hoặc THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, ngày 18/6, học sinh dự phỏng vấn.
Một lưu ý quan trọng đối với thí sinh là không được phép mang điện thoại vào phòng thi. Với vi phạm này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh, dù chỉ là chuông báo thức mà trong khoảng thời gian “tính giờ làm bài” thí sinh cũng vẫn bị đình chỉ.
Xét tuyển dựa trên nguyên tắc nào?
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định: Các trường THPT công lập thực hiện phương thức thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập, lớp 10 không chuyên Trường THPT Chu Văn An và Trường THPT Sơn Tây. Điểm xét tuyển là căn cứ duy nhất để tuyển sinh, dựa trên kết quả bốn bài thi, có tính hệ số đối với các môn: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ngày 2/6.
Theo đó, điểm xét tuyển bằng điểm môn Ngữ văn cộng môn Toán rồi nhân đôi, sau đó lấy tổng này cộng điểm Ngoại ngữ cộng điểm Lịch sử, cộng điểm ưu tiên. Trong đó, điểm Ngữ văn, điểm Toán, điểm Ngoại ngữ, điểm Lịch sử chấm theo thang điểm 10, điểm lẻ của tổng điểm toàn bài được làm tròn đến 2 chữ số thập phân.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định, chỉ đưa vào diện xét tuyển những học sinh không vi phạm Quy chế đến mức hủy kết quả thi trong kỳ thi tuyển sinh và không có bài thi nào bị điểm 0. Chỉ tính với mức ưu tiên cao nhất (trường hợp học sinh có nhiều ưu tiên).
Với những trường THPT công lập tự chủ tài chính, THPT ngoài công lập: Sử dụng phương thức xét tuyển theo một trong hai phương án tuyển sinh sau: Phương án 1: Xét tuyển căn cứ vào điểm xét tuyển của thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2019- 2020; Phương án 2: Xét tuyển dựa trên kết quả rèn luyện, học tập của học sinh ở cấp THCS. Với phương án này điểm xét tuyển được tính là điểm THCS cộng với điểm ưu tiên.
Ông Phạm Quốc Toản cho biết: Các trường phải xét tuyển dựa trên nguyên tắc căn cứ vào số lượng học sinh nộp đơn xác nhận nhập học và chỉ tiêu của trường. Nhà trường sẽ lấy học sinh có điểm xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu được giao và thông báo công khai những học sinh trúng tuyển và thời gian học sinh mang hồ sơ đến nhập học. Bên cạnh phương thức xét tuyển theo 1 trong 2 phương án nêu trên, các trường tuyệt đối không được tổ chức thi tuyển hay sử dụng một phương thức khác để tuyển sinh.