Để lịch sử không còn là môn học nhàm chán

Môn lịch sử là một môn học quan trọng trong nhà trường, bởi thông qua đó, các thế hệ sau này hiểu được truyền thống giữ nước của dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay tại nước ta, môn lịch sử lại bị xem là môn học nhàm chán và “khó nuốt” không chỉ đối với người học mà với cả người dạy.

Học sinh khó “nuốt”

Sau mỗi kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học, môn lịch sử được dư luận quan tâm khá nhiều. Bởi, kết quả thi của môn học này đánh giá một phần nào cách dạy và học lịch sử trong nhà trường. Nhiều học sinh và ngay cả giáo viên tại các trường đều nhìn nhận rằng, môn lịch sử hiện quá khô khan và khối lượng kiến thức thì khá nhiều nên khó tạo sự hứng thú cho học sinh.

Học sinh Phan Tấn Tài, Trường THPT Phú Nhuận (TP Hồ Chí Minh), cho biết: “Mỗi lần tới tiết lịch sử em rất sợ và buồn ngủ. Sợ phải trả bài cũ bởi học những sự kiện lịch sử và những bài học kinh nghiệm rất khó nhớ, nhìn vào sách giáo khoa thì thấy toàn chữ và các trận đánh. Giáo viên thì thường giảng sơ qua rồi đọc cho tụi em chép. Hơn nữa, em không thi vào khối ngành xã hội nên chỉ học cho qua”.


Những bảo tàng, di tích lịch sử là “giáo cụ” trực quan và sinh động giúp học sinh học lịch sử một cách hiệu quả nhất.


Theo PGS. TS Hà Minh Hồng - Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh, học sinh học lịch sử là để biết, để hiểu “dân ta phải biết sử ta”, nhưng thực tế môn lịch sử trong nhà trường ở nhiều nơi đang bị xem là môn học phụ. Giáo viên thì dạy cho kịp chương trình, học sinh học thuộc lòng một cách máy móc, nên khó có thể có được kết quả như ý muốn. Bởi thế, cứ năm nào môn lịch sử được chọn làm môn thi tốt nghiệp THPT thì điểm số môn lịch sử trong các kì thi đại học, cao đẳng có phần tương đối hơn. Còn nếu năm nào môn sử không nằm trong chương trình thi, thì số lượng điểm dưới trung bình tương đối cao. Bên cạnh đó, những bài học lịch sử trong sách giáo khoa khá nặng nề, quá nhiều sự kiện, giáo viên thì không đủ thời gian để truyền tải hết cho học sinh hiểu. Từ đó, đa phần cách học sử trong nhà trường hiện nay là thầy đọc - trò chép nên dễ tạo cảm giác nhàm chán cho cả người học và người dạy.

PGS.TS Hà Minh Hồng cũng nhìn nhận: “Để học sinh yêu thích môn lịch sử là cả một quá trình, cần phải có nhiều cải cách từ việc biên soạn lại sách giáo khoa cho tới thay đổi phương pháp của người truyền tải. Nếu như chúng ta vẫn tiếp tục dạy học theo phương pháp như hiện nay thì sẽ không mang lại hiệu quả cao”.

Từ những bài học thực tế

Để khơi dậy ý thức học tập, sự hứng thú đối với môn học lịch sử trong nhà trường, ngành giáo dục TP.HCM liên tục đưa ra những hoạt động ngoại khóa, như chương trình “Sử ca vào học đường”. Qua những ca khúc hay viết về đề tài lịch sử, học sinh được tiếp cận với nhân vật và sự kiện lịch sử dân tộc một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Đồng thời, nhiều trường học còn đưa học sinh tới tham quan những bảo tàng lịch sử, những khu di tích lịch sử và nhiều giáo viên cũng đã đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy môn lịch sử giúp môn học này trở nên sinh động hơn.

Theo PGS.TS Hà Minh Hồng, học sinh ở TP Hồ Chí Minh có điều kiện thuận lợi hơn so với học sinh ở các tỉnh. Bởi thành phố có rất nhiều bảo tàng và di tích lịch sử. “Đây là một “giáo cụ” trực quan sinh động nhất. Những chuyến đi thực tế này giúp các em cảm nhận một cách sâu sắc và ghi nhớ bài một cách tốt nhất. Hiện tôi thấy phương pháp như đưa học sinh tới bảo tàng, hay những câu chuyện, những bài hát được đưa vào trong quá trình dạy môn lịch sử là một phương pháp rất tốt. Tuy nhiên, để những phương pháp trên được nhân rộng thì phải có thời gian, kinh phí và điều đặc biệt nhất vẫn là yếu tố con người. Bên cạnh đó, các bảo tàng cũng cần phải có một khu vực cho học sinh chuyên đến đó để học tập chứ không chỉ đơn thuần là dành cho du lịch”.

Thầy Nguyễn Viết Đăng Du, giáo viên lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Ở bậc THCS, THPT, môn lịch sử đa phần là những sự kiện, con số. Nếu truyển tải một cách máy móc dễ gây nhàm chán, học sinh lại khó tiếp thu. Nhưng nếu truyền tải bằng những hình ảnh, những câu chuyện thì bài học sẽ trở nên thú vị hơn và học sinh tiếp thu nhanh hơn”.

Một giáo viên dạy môn lịch sử của Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) cho biết: “Nhà trường cũng thường có những tiết học ngoại khóa cho các em học sinh tại các bảo tàng, di tích lịch sử. Cụ thể, vừa qua trường phối hợp với Bảo tàng lịch sử TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Giờ học sử tại bảo tàng”. Nhờ hiện vật, hình ảnh tư liệu, tài liệu khoa học trưng bày trong bảo tàng, đồng thời qua những câu chuyện kể và các danh nhân, danh tướng qua các thời kỳ cùng với những chiến thắng vẻ vang được ghi lại trong những trang sử của dân tộc..., học sinh đã rất hứng thú trong những giờ học ở đây”.

Bài và ảnh: Đan Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN