Đầu tư như thế nào để phù hợp cho tương lai của trẻ, điều đó phụ thuộc nhiều vào sự định hướng của các bậc cha mẹ ngay từ những năm đầu đời. Hãy cho các em sức khỏe và sự hiểu biết về cuộc sống - đó là những hành trang cần thiết giúp các em thành công trong cuộc sống ngay từ ngày hôm nay.
Cơ thể khỏe mạnh để phát triển toàn diện
Các trường mầm non, phổ thông ở nước ngoài luôn đề cao yếu tố thể chất và kỹ năng sống, theo đó, thời gian, không gian, điều kiện vật chất dành cho học sinh luyện tập thể chất, học từ những trải nghiệm thực tế được coi trọng hàng đầu. Những học sinh được đánh giá cao không phải là những “con mọt sách” với điểm số cao mà là những em tích cực tham gia các hoạt động sinh hoạt tập thể, các CLB trong trường hay các hoạt động xã hội, chương trình từ thiện cộng đồng. Bởi những điều đó đã giúp học sinh tự tin trong giao tiếp và đặc biệt luôn có sự khỏe khoắn về thể chất.
Có một thực tế trái ngược đang diễn ra trong nền giáo dục nước ta hiện nay: Trẻ em phải “thi tuyển” từ khi chưa biết chữ để vào lớp 1 và rồi phải oằn lưng để “cõng” cặp sách nặng tới 4 - 5 kg tới trường. Học chính chưa đủ, cha mẹ còn cầu toàn, hoặc đôi khi cũng vì bị ép buộc mà phải cho con học thêm ở nhà cô, ở lò luyện… để có điểm số bằng bạn, bằng bè. Thời gian chơi không có, thậm chí thời gian ăn cũng bị cắt xén. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trên đường những phụ huynh tất tưởi đưa con tan học ca này sang học ca khác và giờ nghỉ của các em là lúc ngồi sau xe “gặm” bánh mì, uống sữa.
Ở trường, môn Thể dục với ý nghĩa rèn luyện thể chất cho các em cũng chỉ được coi là môn phụ với thời lượng trung bình 2 tiết/tuần và đó cũng là một trong những lý do dẫn đến trẻ ngại vận động. Theo một nghiên cứu khoa học gần đây trên tạp chí Y khoa The Lancet (Anh): Có khoảng 1/3 số người trưởng thành trên khắp thế giới mắc “bệnh” lười vận động. Việt Nam được xếp vào nhóm những nước lười vận động nhất với chỉ khoảng 15,3% số người dân tập thể dục nhiều hơn ba mươi phút mỗi ngày.
Không chỉ kém về thể chất, học sinh nói chung còn rất thiếu những kỹ năng xã hội và hiểu biết cuộc sống thực tế ngoài sách vở. Không tự tin trong giao tiếp, kém hiểu biết về xã hội nhưng lại có kết quả học tập “luôn luôn đứng đầu” dẫn tới nhiều học sinh, sinh viên khi ra trường đã có những nhận định sai lầm về bản thân và không kiếm được việc làm phù hợp.
“Đối mới giáo dục để dân yên tâm”
Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trong một cuộc họp báo gần đây về vấn đề cải cách giáo dục. Thực tế, những bất cập của giáo dục đã được nhìn nhận và đánh giá khách quan cũng như đang có nhiều biện pháp thay đổi.
Trong khi chờ cải cách giáo dục, nhiều phụ huynh đã thay vì chỉ chép miệng thương con bị “đánh cắp tuổi thơ” thì đã có những hành động thiết thực hơn bằng cách lựa chọn cho con những mô hình trường học có nhiều điểm ưu việt. Bên cạnh những trường “điểm” có mô hình đào tạo tiên tiến thì các trường tư thục chất lượng cao, trường quốc tế đã thu hút sự quan tâm tìm hiểu của phụ huynh. Các trường tư chất lượng được phụ huynh “ưu ái” hơn cả do vẫn đảm bảo chương trình giáo dục của Việt Nam, học phí vừa phải, điều kiện học tập tốt mà học sinh vẫn được học theo phương pháp mới, được quan tâm và phát triển toàn diện hơn.
Điển hình như chương trình giáo dục tại Vinschool (thuộc tập đoàn Vingroup) là sự chắt lọc, kết hợp những tinh hoa của nền giáo dục trong nước và quốc tế để trang bị cho học sinh những tố chất cần thiết để trở thành “công dân toàn cầu” nhưng vẫn duy trì được bản sắc và tâm hồn Việt Nam. Do đó, dù tháng 9/2014, trường mới chính thức khai giảng niên khóa đầu tiên tại khu đô thị Times City nhưng đã nhận được rất nhiều hồ sơ đăng ký học cho con em ngay từ bây giờ.