Nâng tầm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Bài 2

Đào tạo phải phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường

Trong bối cảnh hội nhập và nghề nghiệp thay đổi nhanh chóng, chương trình đào tạo theo hướng chú trọng phương pháp tự học và học liên tục của sinh viên chính là “chìa khóa” quyết định chất lượng đào tạo.

Đồng thời, nguồn nhân lực chất lượng cao cần phục vụ cho thực tế sản xuất và tuân thủ quy tắc thị trường, hệ thống giáo dục trước mắt phải phục vụ ngay yêu cầu của doanh nghiệp.      

Chủ động chuyển đổi

Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình đào tạo quyết định rất lớn đến chất lượng đào tạo. Vì vậy, từ năm 2011, Hội đồng khoa học đào tạo trường đã có định hướng cải tổ lại phương thức dạy và học. Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi ngành nghề nhanh chóng trong tương lai. Có những ngành nghề nếu tiếp tục đào tạo có nguy cơ sẽ mất đi, ngược lại có những ngành cần mở rộng liên tục để đón đầu và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực.

Học sinh tham quan gian hàng giới thiệu các ngành học của Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh trong Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2017. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Do đó, chương trình đào tạo của trường luôn hướng mở. Trước kia, sinh viên đến lớp nghe thầy giảng, xuống xưởng thực hành; còn hiện nay những kiến thức lý thuyết đã được số hóa, sinh viên phải tự tìm hiểu trước. Trên lớp, thầy trở thành người hướng dẫn sinh viên ứng dụng những kiến thức trên bài học vào công việc giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra. Quá trình học tập của sinh viên được đánh giá liên tục, điều này đòi hỏi sinh viên phải sáng tạo và học liên tục.

Trước xu hướng nghề nghiệp thay đổi rất nhanh, Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, xu hướng đào tạo tương lai không chỉ một ngành cố định mà đào tạo liên ngành, tất cả kiến thức về các ngành nghề đều chuyển qua cơ sở dữ liệu, số hóa. Do đó, sinh viên được trang bị kiến thức nền của một ngành, đồng thời cũng được học những kiến thức của những ngành nghề khác. Nhờ những kiến thức được trang bị đầy đủ liên ngành, sinh viên có thể chuyển đổi ngành nghề dễ dàng.

Bên cạnh các chương trình đào tạo chính thống, cần đẩy mạnh kiểm định quốc tế và liên thông quốc tế trong đào tạo để có thể trao đổi sinh viên, tham gia các đề án đào tạo của thế giới, khu vực, kiểm định chất lượng quốc tế để có thể trao đổi một cách bình đẳng với các trường đại học nước ngoài, nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng mở. Có như vậy, sinh viên khi đào tạo ra trường có thể tìm việc làm tại các doanh nghiệp nước ngoài hoặc được chuyển tiếp học cao hơn tại nước ngoài, hoặc có thể tham gia các chương trình trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên một cách bình đẳng với các trường nước ngoài.

Gắn kết giữa doanh nghiệp và đào tạo

Nhiều ý kiến cho rằng, để nguồn nhân lực đạt chất lượng và đáp ứng nhu cầu cần thiết phải có sự tác động qua lại giữa nhà trường và doanh nghiệp. Quan hệ giữa doanh nghiệp với các trường chặt chẽ giúp nhà trường hoàn thiện hơn về chương trình giảng dạy, trang thiết bị hiện đại, tạo ra kết quả tốt hơn cho giáo dục. Ngược lại doanh nghiệp thông qua đó có mối quan hệ tốt với trường sẽ dễ dàng trong tuyển dụng, đầu ra của trường gần với mong đợi của doanh nghiệp hơn.

Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhờ sự tham gia của các doanh nghiệp trong việc tham gia thiết kế lại chương trình đào tạo mà khoảng cách giữa đầu ra của trường và yêu cầu của doanh nghiệp càng ngày càng được rút ngắn. Sự hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp ở nhiều ngành giúp nhà trường vẽ ra chân dung của người kỹ sư hiện tại và tương lai. Sau đó, nhà trường sẽ tích hợp các chuẩn đầu ra, lồng ghép các yêu cầu đó vào trong các môn học.

Tương tự như vậy, chương trình giáo dục của Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cũng luôn linh hoạt, khoảng 2-3 năm sẽ lấy ý kiến doanh nghiệp, cựu sinh viên để rà soát lại và điều chỉnh cho phù hợp. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể tham gia góp ý xây dựng các chương trình đào tạo của trường, thực tập, tuyển dụng… giúp “sản phẩm đầu ra” của trường gần với doanh nghiệp hơn.

Hay việc cử thầy cô sang hợp tác làm các đề án của doanh nghiệp cũng giúp nhà trường tiếp cận những vấn đề ngoài thực tế đặt ra, bởi trải nghiệm trong nhà trường khác với trải nghiệm ngoài doanh nghiệp. Theo thống kê của trường, trong nhiều năm qua, sinh viên tốt nghiệp 90% có việc làm (việc làm đúng ngành nghề học, sử dụng đúng kiến thức đã được đào tạo) sau 6 tháng tốt nghiệp,100% có việc làm sau một năm. Nhiều sinh viên trong quá trình đào tạo đã có việc làm và tham gia các đề án, dự án của doanh nghiệp.

Nhận định về việc có cần thiết đào tạo lại sau khi sinh viên ra trường, ông Huỳnh Tấn Thuyết - Phó Giám đốc Toyota Biên Hòa (Đồng Nai) cho rằng, việc doanh nghiệp đào tạo lại nhân sự là chuyện đương nhiên bởi những doanh nghiệp có quy mô, có hệ thống đào tạo phát triển nguồn nhân lực tốt thường tuyển chọn những người có tố chất để đào tạo phát triển tiếp. Những doanh nghiệp tuyển dụng người đã có kinh nghiệm để sử dụng được ngay thường là những doanh nghiệp có quy mô nhỏ, không có hệ thống đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tốt hoặc bỏ qua hệ thống kèm cặp nhân sự trong thời gian đầu tuyển dụng.

Do đó, theo ông Thuyết, Nhà nước cần có cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia cùng với các trường nhiều hơn nữa. Nếu nhiều doanh nghiệp thấy rõ được quyền lợi, tham gia nhiều, chắc chắn chất lượng của giáo dục đại học sẽ theo chiều hướng tốt, đáp ứng nhu cầu gần hơn với doanh nghiệp.

Ông Vũ Thái Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí miền Nam chia sẻ, cái khó nhất của doanh nghiệp không chỉ về trình độ, kỹ năng hay kinh nghiệm của người lao động mà thái độ người lao động không kiên định. Do đó, việc kết hợp đào tạo sâu ngay khi còn là sinh viên và sau lúc sinh viên chưa có việc làm rất quan trọng. Doanh nghiệp có thể cùng cơ sở đào tạo hướng nghiệp, tạo trải nghiệm trước cho người lao động, trong quá trình đó doanh nghiệp sẽ chọn lựa được những nhân tố tốt…

Việt Âu - Phương Vy (TTXVN)
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao - Bài 1
Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao - Bài 1

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 7 chương trình đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN