Thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao - Bài 1

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong 7 chương trình đột phá của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Tuy nhiên, thực tế nguồn nhân lực ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay nhiều về số lượng nhưng lại không ổn định và bền vững. Nguyên nhân xuất phát từ thực trạng mất cân đối cung - cầu nguồn lao động, chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo còn yếu.

Sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng thực hành về sinh hoá. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Theo Trung tâm Dự báo nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, thị trường lao động của thành phố đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, thị trường lao động phát triển chưa đồng bộ, thể hiện sự chênh lệch cung - cầu lao động về số lượng; đặc biệt chất lượng chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập. Thành phố Hồ Chí Minh đang rất thừa lao động phổ thông song lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề trong định hướng phát triển.

Trung tâm đã khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tại thành phố năm 2018, kết quả cho thấy dự kiến Thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển dụng 300.000 lao động, tăng bình quân 5% so với năm 2017. Về cơ cấu, lao động có trình độ đại học trở lên 20%; cao đẳng 17%; trung cấp và công nghệ kỹ thuật lành nghề 32%; sơ cấp nghề 10% và lao động chưa qua đào tạo 21%.

Cơ hội việc làm tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2018 sẽ rộng mở đối với lao động có chuyên môn, tay nghề cao, trang bị thêm kỹ năng mềm đặc biệt kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm, kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm lao động, năng lực ứng dụng tin học và ngoại ngữ.

Do đó, năm 2018, thị trường lao động thành phố tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; chú trọng phát triển theo xu hướng lao động đã qua đào tạo có nghề chuyên môn yêu cầu về chất lượng, trình độ lao động, có tay nghề, năng suất lao động đảm bảo cho việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu lao động…  Trong khi đó, phần lớn sinh viên tốt nghiệp ra trường lại chưa đủ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm để tiếp cận công việc, nhất là các kỹ năng mà thị trường lao động cần.

Sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.Hồ Chí Minh trong giờ thực hành nghề điện máy ô tô. Ảnh: Phương Vy/TTXVN

Các chuyên gia cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng tác động đến việc thay đổi năng suất lao động. Thực tế về trình độ đào tạo, nhóm có trình độ đào tạo bậc trung (cao đẳng, trung cấp nghề) có ảnh hưởng mạnh nhất đến năng suất lao động nhưng Việt Nam đang thiếu nguồn nhân lực này. Số lượng lao động bậc trung hiện nay chỉ đáp ứng 20-30% nhu cầu lao động.

Ngoài ra, nền kinh tế còn xảy ra tình trạng sử dụng bất hợp lý nguồn nhân lực, tỷ lệ không sử dụng hết trình độ chuyên môn kỹ thuật từ 16-24%. Nguyên nhân do công tác đào tạo nguồn nhân lực bậc cao và bậc trung còn yếu kém; chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chưa dựa vào yêu cầu thị trường, chưa tạo điều kiện cho quá trình chuyển dịch về lao động; công tác phân luồng học sinh, dự báo nhu cầu nhân lực chưa sát với nhu cầu nhân lực từng lĩnh vực.

Giáo sư - Tiến sĩ Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá: Hiện nay có rất nhiều trường đào tạo, có rất nhiều đề án đào tạo nhưng nhìn chung nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn thiếu. Nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ nói riêng bậc đại học mà cả bậc cao đẳng, đào tạo nghề.

Chúng ta đào tạo nhiều nhưng không có phân tầng mục tiêu đào tạo nên các đơn vị đào tạo trong nước đều đào tạo na ná giống nhau, dẫn đến số sinh viên ra trường nhiều nhưng không được sử dụng. Bên cạnh đó, các trường đại học đào tạo kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật không có nghĩa là đào tạo đúng một người đó làm đúng một việc mà cần đào tạo kiến thức nền. Khi vào doanh nghiệp, người lao động bắt buộc phải được đào tạo bổ sung kiến thức chuyên môn sâu hoặc có thời gian tìm hiểu.

Mặt khác, theo Phó Giáo sư -Tiến sĩ Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, sự phát triển các trường đại học trong những năm vừa qua quá nhiều nhưng cần thẳng thắn thừa nhận chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều trường phải thuê cơ sở, không có các trang thiết bị thực hành, xưởng, phòng thí nghiệm… Vì vậy không đáp ứng được yêu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao...

(Bài 2: Chủ động trước xu hướng chuyển đổi ngành nghề)


Việt Âu - Phương Vy (TTXVN)
Tin tưởng vào nguồn nhân lực chất lượng cao của đồng bào dân tộc thiểu số
Tin tưởng vào nguồn nhân lực chất lượng cao của đồng bào dân tộc thiểu số

Chiều 3/11, tại Nhà Quốc hội, đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, đã gặp mặt thân mật Đoàn học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN