Sau một năm triển khai thực hiện, Thông tư 30 của Bộ Giáo dục - Đào tạo về đánh giá và xếp loại học sinh tiểu học đang nhận được những đánh giá trái chiều.
Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết: Đánh giá học sinh tiểu học là sự cải tiến của Bộ Giáo dục - Đào tạo, để cho học sinh bớt căng thẳng, tránh tình trạng giáo viên cho điểm không chuẩn xác, thiếu công bằng khiến học sinh ghen tị nhau, gây tâm lý không hay. Nhưng qua một thời gian thực hiện thấy có một hiện tượng là giáo viên đã bị quá tải. Một giáo viên phải nhận xét rất nhiều học sinh và tôi có cảm giác là họ không còn thời gian để làm việc khác nữa. Như vậy thì rất căng thẳng.
Bản thân tôi luôn ủng hộ quan điểm tất cả phải bắt đầu từ giáo dục, giáo dục phải được đầu tư và đầu tư hơn nữa. Nhưng khi tiến hành cải tiến thì phải cải tiến từng bước, nên thí điểm trước, sau đó đánh giá, tổng kết mô hình. Nếu được thì mới nhân rộng, chứ như vừa rồi tôi cho rằng phải rút kinh nghiệm và phải sửa.
Cũng chính vì cách đánh giá học sinh tiểu học như vừa rồi nên việc xét tuyển học sinh vào lớp 6 là vấn đề mà cử tri rất bức xúc. Nếu như đánh giá chất lượng học sinh tiểu học là đồng đều giữa các trường; số hồ sơ nộp so với số lượng xét tuyển không chênh lệch nhau là mấy, thì chuyện xét tuyển là bình thường.
Nhưng ở ngay Hà Nội và một số thành phố khác như TP Hồ Chí Minh, có những trường hồ sơ nộp và chỉ tiêu tuyển vào chênh lệch rất nhiều, chẳng hạn chỉ tiêu có 600 em nhưng hồ sơ lên đến 4.000 thì gây ra bức xúc vô cùng vì xét tuyển trên cơ sở nào. Cử tri có nói với tôi là xét trên học bạ, nhưng vấn đề là mức độ đánh giá của các trường lại không đều nhau, đôi khi cái giỏi của trường này chỉ bằng cái khá của trường kia. Sự không đồng đều trong đánh giá của các trường nên việc xét tuyển sẽ không thật công bằng và không thật chuẩn. Vì thế, chỉ nên xét tuyển với những trường mà chỉ tiêu và số hồ sơ không chênh lệch nhiều, còn nếu tỷ lệ chênh lệch quá lớn thì phải cho thi hoặc kiểm tra như thế nào đó để tuyển chọn khách quan.
Tôi ủng hộ chấm điểm, từ xưa đến nay ông cha ta vẫn làm thế; chỉ có điều thầy cô giáo phải chấm sao cho công bằng, không để xảy ra hiện tượng tiêu cực ở một số trường như trước đây điểm không tương xứng với chất lượng học sinh. Giáo viên cho điểm đúng cũng là một mức độ để học sinh thi đua lành mạnh chứ không phải là cạnh tranh. Chấm điểm công bằng sẽ đánh giá đúng năng lực của học sinh, bố mẹ cũng hiểu được trình độ của con ở mức độ nào để có thể hỗ trợ thêm. Điều này là rất cần thiết.
Xuân Phong