Còn băn khoăn sau năm đầu đánh giá học sinh tiểu học

Năm học 2014-2015 đã kết thúc. Đây là năm đầu tiên cả nước thực hiện Thông tư 30/2014/TT – BGDĐT ngày 28/8/2014, quy định về đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học. Bên cạnh những ưu điểm của thông tư như tính nhân văn, giảm áp lực học tập cho học sinh, thì vẫn còn một số vấn đề khiến giáo viên và phụ huynh học sinh lúng túng.

Người mừng, người lo

Chị Lê Mai Hương, phụ huynh có con đang học lớp 2 trường Tiểu học Thanh Lâm, Mê Linh, Hà Nội cho biết: “Năm nay, thay vì chấm điểm thì con được đánh giá là “đạt”, đi học đầy đủ, đúng giờ và tích cực xây dựng bài. Được chấm điểm cao vẫn không quan trọng bằng việc đánh giá của giáo viên phản ánh đúng năng lực và khả năng nhận thức của các con. Nhưng đến nay, với những nhận xét cuối năm tôi vẫn chưa yên tâm lắm”.

Hình ảnh “Giáo viên phải tranh thủ giờ nghỉ trưa để ghi nhận xét cho học sinh” của một giáo viên đưa lên trang Facebook cá nhân, làm dậy sóng cộng đồng giáo dục. Ảnh: Nhân vật cung cấp


Còn chị Lê Thị Lan, có con học trường Tiểu học Trung Sơn Trầm, Sơn Tây, Hà Nội cho biết: “Năm nay con tôi được đánh giá là đạt, có tiến bộ. Việc đánh giá theo Thông tư 30 sẽ khiến các con không bị áp lực về điểm số và nếu các con tôi tự giác thì vẫn phát huy được khả năng học tập. Thế nhưng tôi thấy con mình không chăm học bằng trước, và những nhận xét của nhà trường khiến tôi mông lung không rõ con mình đang ở mức nào, vì giờ chỉ cần 5 điểm đến 10 điểm đều được đánh giá là “đạt” rồi”.

Theo Thông tư 30, quyền chủ động về đánh giá học sinh được giao hoàn toàn cho các trường học. Do đó mới có chuyện, giáo viên tự đặt con dấu in sẵn lời nhận xét, hay các thầy cô tự truyền nhau lời phê qua các trang web, mạng xã hội.

Một giáo viên tiểu học ở Hà Nội (xin giấu tên) nói: “Nguyên nhân chính ở đây là giáo viên quá nhiều việc, gánh nặng sổ sách chồng chất. Tôi biết, dù bị lên án bởi những lời nhận xét “nhân bản” nhưng hãy nghĩ tới những chồng sổ sách mà giáo viên phải hoàn thành. Đó là những sổ học bạ, sổ theo dõi chất lượng giáo dục, sổ liên lạc trao đổi ý kiến của cha mẹ học sinh, giấy khen… Hiệu trưởng vẫn còn rập khuôn. Qua chỉ đạo của Bộ, tôi biết không yêu cầu làm hết sổ sách, không yêu cầu nhận xét hết, nhưng hiệu trưởng vẫn yêu cầu làm vì… thành tích”.

Lãnh đạo trường...chưa thông

Hầu hết các giáo viên khi được hỏi đều cho rằng Thông tư 30 có nhiều điểm ưu việt. Một giáo viên tiểu học ở thành phố Ninh Bình cho rằng: “Việc đảm bảo chất lượng giáo dục không nằm ở Thông tư 30, mà ở cái tâm của người làm giáo dục. Thông tư 30 giúp các giáo viên có nhiều cơ hội trao đổi chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm và kỹ năng giáo dục học sinh. Giáo viên thực hiện đánh giá, nhận xét học sinh đúng theo tinh thần của Thông tư 30 sẽ giúp học sinh rèn luyện rất nhiều về kỹ năng sống và học sinh đã có được sự nhận thức về việc phát triển toàn diện không chỉ có điểm 9, điểm 10. Nhiều phụ huynh đã khen về điểm này”.

Trước thực tế có nhiều trường thực hiện không như tinh thần của Thông tư 30, PGS. TS Nguyễn Hữu Hợp, khoa giáo dục tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng nguyên nhân chủ yếu vẫn là từ phía quản lý giáo dục. Đó là các trường quá máy móc, bắt buộc giáo viên ghi nhận xét quá nhiều (nội dung nhận xét học sinh không được trùng lặp). Do đó, giáo viên không còn thời gian và sức lực cần thiết cho việc dạy học; thiếu tin tưởng giáo viên (họ cho rằng nếu không ghi thì giáo viên sẽ không nhận xét học sinh), điều đó làm cho giáo viên bị ức chế, bức xúc. Mặc dù Bộ GD - ĐT đã có những gợi ý theo hướng làm nhẹ công việc cho giáo viên (dùng sổ điện tử, dùng con dấu, chỉ ghi những học sinh "đặc biệt"...) nhưng trường không chấp nhận”.

Về phía giáo viên, PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp cho rằng, vẫn nhiều giáo viên chưa biết nhận xét học sinh như thế nào theo đúng tinh thần Thông tư 30 như: Chỉ ra lỗi, nêu nguyên nhân, giúp học sinh biết biện pháp sửa chữa, kiểm tra việc khắc phục của học sinh. Việc nhận xét chung chung: "Em cần cố gắng", "bài làm chưa tốt", "em có tiến bộ"... ít có tác động giúp học sinh tiến bộ thực sự (khắc phục được lỗi, nâng cao được năng lực, có ý chí vươn lên...). Và nhiều giáo viên chưa tâm huyết với nghề, chưa phải vì-học-sinh-thân-yêu mà chủ yếu thực hiện theo tư tưởng đối phó…

Để giải quyết thực trạng này, theo PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp thì những nhà quản lý giáo dục không nên kiểm tra việc giáo viên ghi nhận xét. Đồng thời, cần đánh giá giáo viên qua sự tiến bộ của học sinh đúng như tinh thần của Thông tư 30. Giáo viên phải nắm chắc trình độ của mỗi học sinh lớp mình chủ nhiệm để có thể trả lời những câu hỏi của quản lý giáo dục về từng em trong lớp như khả năng nhận thức, năng khiếu, học lực, sự tiến bộ… Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sở, phòng giáo dục cần có cổng thông tin trực tuyến với giáo viên (công khai điện thoại...) với mục đích không chỉ giúp đỡ mà còn lắng nghe giáo viên, chia sẻ những trăn trở, nỗi lòng của họ. Cuối cùng, cần có biện pháp xử lý những hiện tượng ép giáo viên ghi nhận xét theo tỉ lệ, số lượng hằng ngày, hằng tháng...

Hạnh Vân

Vẫn lúng túng bỏ chấm điểm tiểu học
Vẫn lúng túng bỏ chấm điểm tiểu học

Sau gần một năm thực hiện thông tư 30 của Bộ Giáo dục & Đào tạo, đến nay hầu hết giáo viên, phụ huynh và học sinh đã dần quen với cách đánh giá nhận xét thay cho điểm số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong quá trình triển khai thông tư này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN