Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 2.314 cơ sở dịch vụ ăn uống trong các trường học, nếu không được kiểm tra và giám sát, nguy cơ ngộ độc thực phẩm ở các trường học rất cao.

Giám sát chặt thực phẩm vào trường học

Theo đánh giá của Ban quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, hầu hết các đơn vị trong trường học có xây dựng hệ thống tự kiểm tra an toàn thực phẩm, có quyết định tự kiểm tra và có biên bản kiểm tra định kỳ bếp ăn tập thể, căng tin đang hoạt động.

Chú thích ảnh
Việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh ngày càng được các trường học quan tâm và kiểm tra.

Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1) với gần 1.300 học sinh, hiện đang sử dụng suất ăn công nghiệp thông qua đơn vị bên ngoài cung cấp nên việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh luôn được nhà trường chú trọng từ khâu kiểm tra cho đến lưu mẫu. Lãnh đạo trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng cho biết, để kiểm tra được nguyên liệu chế biến ban đầu của đơn vị cung cấp thức ăn, nhà trường chỉ hợp tác với đơn vị cung cấp nằm trong danh sách chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố và chỉ hợp tác với cơ sở chế biến gần trường để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm.

Đại diện trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng cũng cho biết, các suất ăn được đưa vào trường sẽ được ban giám hiệu nhà trường kiểm tra giám sát; bếp trưởng, nhân viên y tế lưu lại vào sổ theo mẫu hàng ngày. Bên cạnh đó, nhà trường yêu cầu bên cung cấp thực phẩm nộp lại các giấy tờ liên quan đến an toàn thực phẩm, giấy phép hoạt động và phải thực hiện cam kết đảm bảo nguồn gốc thực phẩm.

Ông Lê Minh Hải, Phó trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm Thành phố cho biết, quy mô các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học có giảm. Trong thời gian từ năm 2015 đến 2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 22 vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học với 196 người mắc. Nguyên nhân do trong quá trình chế biến, vận chuyển suất ăn bị vi sinh vật xâm nhập gây ngộ độc.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu tháng 5 đến nay, sau khi các trường học hoạt động trở lại, Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố thường xuyên phối hợp với ngành giáo dục, ngành y tế kiểm tra công tác tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh cũng như yêu cầu các trường phải kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn, cơ sở cung cấp thức ăn cho học sinh, căng tin trường học…

Thông qua kiểm tra bếp ăn tập thể và một số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trong trường học, Ban Quản lý An toàn thực phẩm phát hiện một số đơn vị vi phạm về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm, như một số trường phát hiện có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập vào khu vực sơ chế và chế biến thực phẩm; căng tin một số trường sử dụng nước đá uống chưa có bao bì kín khi vận chuyển đến trường; chưa bố trí được bếp ăn cũng như khu vực ăn uống cho học sinh…

Đẩy mạnh chuỗi an toàn

Nhằm cải thiện điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể, căng tin trong trường học, Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố đã ký kết với Sở Giáo dục và Đào tạo Kế hoạch Liên tịch số 1008/KHLT-BQLATTP-GDDT ngày 12/9/2017 về Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Thành phố yêu cầu lãnh đạo các trường học phải kiểm soát, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn, nhà ăn.

Công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học luôn được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh thực hiện liên tục và thường xuyên. Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cho biết, Sở đã yêu cầu các trường học tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh bán trú, nội trú; tuyệt đối không để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Lãnh đạo trường cũng phải kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các trường công khai các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp, nguyên liệu cho bếp ăn đến cha mẹ học sinh vào đầu năm học, nếu có thay đổi đơn vị cung cấp thì phải thông báo công khai để cha mẹ học sinh được biết. Đồng thời, phối hợp cha mẹ học sinh giám sát cơ sở chế biến để đảm bảo bữa ăn học đường an toàn. Đặc biệt, thủ trưởng đơn vị trường học chịu trách nhiệm trước cha mẹ học sinh, cơ quản quản lý, cơ quan thẩm quyền trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm.

Theo Ban quản lý An toàn thực phẩm Thành phố, việc đẩy mạnh xây dựng các đề án, chương trình cải thiện điều kiện an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, nhất là đẩy mạnh xây dựng “chuỗi thực phẩm an toàn” tăng về số lượng, đa dạng hóa về chủng loại hàng hóa, tạo điều kiện cho các cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học được tiếp cận với nhiều nguồn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn học sinh.

Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng ý thức hơn trong việc chấp hành các quy định của nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm, ý thức hơn trong việc lựa chọn nguồn nguyên liệu thực phẩm để chế biến tại các cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học. Cùng với đó, sự quan tâm của người dân đối với vấn đề an toàn thực phẩm nói chung và đảm bảo an toàn thực phẩm trường học nói riêng ngày càng cao, đặc biệt là cha mẹ học sinh là những người góp phần trong việc giám sát, đầu tư cho việc đảm bảo an toàn thực phẩm, việc tiếp nhận nguồn nguyên liệu thực phẩm an toàn tại các cơ sở dịch vụ ăn uống trong trường học.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm
10 nguyên tắc vàng về vệ sinh an toàn thực phẩm

Ngày An toàn thực phẩm thế giới được Liên hợp quốc ấn định vào ngày 7/6 hằng năm. Năm 2020 là năm thứ hai Việt Nam tổ chức ngày này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN