Đắk Nông khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục

Tỉnh Đắk Nông đang thực hiện nhiều giải pháp tổng thể, căn cơ để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, trong bối cảnh số học sinh tăng đều đặn từng năm và nhu cầu học tập của người dân ngày càng tăng.

Chú thích ảnh
Công nhân lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xã Quảng Tân, Tuy Đức, Đắk Nông. 

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, năm học 2019 - 2020, toàn tỉnh có gần 170.000 học sinh, trong đó có hơn 25% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, tổng số học sinh của tỉnh đều tăng mạnh, nhất là các cấp Mầm non, Tiểu học.

Tại huyện Đắk G’Long, địa phương được coi là điểm "nóng" nhất cả tỉnh về tình trạng dân di cư không theo quy hoạch, trong 5 năm qua, tổng số học sinh tăng đều đặn khoảng 1.500 em/năm. 

Theo ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk G’long, học sinh tăng liên tục và dân cư phân bố rải rác, phân tán đang gây ra rất nhiều khó khăn, áp lực cho ngành Giáo dục như tình trạng thiếu hụt cơ sở vật chất, giáo viên đứng lớp (nhất là hai cấp học Mầm non, Tiểu học) ngày càng gay gắt.

Chỉ tính riêng năm học 2019 - 2020, các trường học trong huyện Đắk G’Long đã xây dựng, đưa vào sử dụng gần 80 phòng học mới. Tại nhiều địa phương, ngành Giáo dục vẫn phải mượn tạm cơ sở vật chất là hội trường các thôn bon, nhà văn hóa… để làm điểm trường phục vụ công tác dạy và học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của học sinh.

Tháng 6/2019, Đắk Nông được Bộ Nội vụ bổ sung thêm 634 biên chế giáo viên và huyện Đắk G’long được phân bổ 125 biên chế trong số này. Tuy nhiên, theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đắk G’long, số lượng giáo viên như vậy vẫn chưa đủ và huyện vẫn phải ưu tiên huy động trẻ 5 tuổi đến trường, thay vì toàn bộ trẻ trong độ tuổi mầm non.

Tương tự như Đắk G’long, tại huyện biên giới Tuy Đức, tình trạng học sinh Mầm non, Tiểu học tăng đều đặn qua các năm và vấn đề dân di cư không theo quy hoạch phân bố phân tán, rải rác cũng gây ra nhiều khó khăn cho việc bố trí dạy và học. Một số địa phương khác có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị hóa nhanh như thị xã Gia Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp… cũng xảy ra nhiều vấn đề tương tự.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh hiện có gần 11.200 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên công tác trong ngành Giáo dục. Mấy năm gần đây, nhiều huyện, thị trong tỉnh đã tiến hành sắp xếp, tái cơ cấu ngành Giáo dục theo hướng tinh giản đội ngũ cán bộ quản lý, biên chế không trực tiếp giảng dạy, đứng lớp để tăng cường đội ngũ giáo viên. 

Trước năm học 2019 - 2020, vào trước mỗi đợt khai giảng năm học mới, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Đắk Nông đều cho các địa phương chủ trương hợp đồng thêm khoảng 600 giáo viên (chủ yếu là bậc học Mầm non) để phục vụ công tác dạy và học, trong bối cảnh biên chế giáo viên nhiều năm liền không được điều chỉnh.

Tháng 6/2019, Bộ Nội vụ quyết định bổ sung thêm cho Đắk Nông 634 biên chế giáo viên, giúp tỉnh giải quyết cơ bản tình trạng thiếu hụt giáo viên cho công tác dạy và học, đồng thời giúp các giáo viên yên tâm hơn trong công tác. Hiện nay, các huyện, thị trong tỉnh Đắk Nông đang tiến hành các thủ tục để tuyển dụng, đặc cách đối với các giáo viên (đang thuộc diện hợp đồng này). 

Theo ông Trần Sỹ Thành, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp để tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng giáo dục. Song song với đó, Đắk Nông cũng thực hiện một số đề án để nâng cao chất lượng học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển giáo dục mầm non… đáp ứng kịp thời hơn việc gia tăng dân số cũng như nhu cầu của xã hội hiện đại. Nhìn chung, đội ngũ quản lý, giáo viên và nhân viên ngành Giáo dục Đắk Nông trong năm học 2019 - 2020 cơ bản đáp ứng nhiệm vụ dạy và học. 

Cũng theo ông Trần Sỹ Thành, Đắk Nông đang tiếp tục thực hiện việc điều chuyển, sắp xếp để khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương. Liên tục trong các năm qua, ngành Giáo dục và chính quyền các địa phương đã thực hiện nhiều chương trình, chính sách ưu đãi để khắc phục phần nào các khó khăn cho các giáo viên công tác tại các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới đi lại khó khăn. Những chính sách, chương trình này đã động viên kịp thời, giúp các thầy cô giáo yên tâm gắn bó với nghề, cống hiến cho ngành Giáo dục.

Cũng theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông, hệ thống trường lớp, trang thiết bị phục vụ học tập hiện nay cơ bản đáp ứng như cầu dạy và học. Mỗi năm, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, Đắk Nông đều huy động, phân bổ hàng trăm tỉ đồng để xây dựng, mở rộng, sửa chữa hệ thống trường lớp và các công trình liên quan, trong đó năm học 2019 - 2020 gần 250 tỉ đồng. Tuy nhiên, hệ thống các công trình phụ trợ của trường lớp học như nhà vệ sinh, công trình nước sạch… vẫn chưa đảm bảo và Đắk Nông đang cần một đề án tổng thể để đầu tư xây mới hoặc sửa chữa.

Bài và ảnh: Hưng Thịnh (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển ngành giáo dục
TP Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển ngành giáo dục

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển, Thành phố luôn ưu tiên đầu tư, chăm lo phát triển ngành giáo dục và xem đó là sự đầu tư thiết yếu cho tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN