TP Hồ Chí Minh ưu tiên phát triển ngành giáo dục

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục và đào tạo đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển, Thành phố luôn ưu tiên đầu tư, chăm lo phát triển ngành giáo dục và xem đó là sự đầu tư thiết yếu cho tương lai.

Đó là những chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, Lê Thanh Liêm tại Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến ngành Giáo dục Thành phố, giai đoạn 2015 -2019 ngày 19/11.

Chú thích ảnh
Nhiều cá nhân được trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục và Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo

Với những thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục và đào tạo, năm nay TP Hồ Chí Minh có 3 cá nhân được nhận huân chương Lao động hạng Ba, 1 cá nhân nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều cá nhân được trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục và Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chú thích ảnh
Thầy Nguyễn Trần Khánh Bảo nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Là người duy nhất nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tại hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến ngành Giáo dục Thành phố giai đoạn 2015 -2019, thầy Nguyễn Trần Khánh Bảo (34 tuổi) Phó hiệu trưởng trường Marie Curie chia sẻ, việc nhận được bằng khen của Thủ tướng là nguồn động lực lớn để bản thân phấn đấu rèn luyện và đóng góp nhiều hơn nữa cho Giáo dục và đào tạo Thành phố. Theo thầy Khánh Bảo, trong thời buổi công nghệ 4.0, bản thân giáo viên phải không ngừng tự học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu dạy học ngày càng cao; tiếp tục thực hiện cuộc vận động của thành phố mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo.

Tại hội nghị Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm đã gửi lời chúc mừng tới đội ngũ các thầy, cô giáo của thành phố nhân ngày Nhà giáo Việt Nam. Bên cạnh đó ông Liêm cũng nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố luôn tự hào với đội ngũ nhà giáo vững chuyên môn, hết lòng vì học sinh thân yêu và luôn tích cực, đi đầu trong đổi mới. Trong thời gian qua ngành giáo dục thành phố có sự phát triển lớn mạnh với nhiều giải pháp, đề án đột phá đã được ngành triển khai và bước đầu đem lại kết quả tích cực. Tuy nhiên, các khó khăn, thách thức đặt ra từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi giáo dục phải đón đầu, phải đổi mới. Trong đó, việc bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo phải được ưu tiên, bởi đây là yếu tố căn bản, quyết định thành công của việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; chú trọng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, phát triển năng lực, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ, giáo viên; có chính sách thu hút người giỏi cho ngành.

Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai vào năm tới, cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, theo kế hoạch đề ra, trong 5 năm tới thành phố sẽ bồi dưỡng cho hơn 85.000 cán bộ, giáo viên của thành phố. Không chỉ tập trung bồi dưỡng những nội dung theo yêu cầu chung của ngành, thành phố mà còn bổ sung những chuyên đề riêng đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế của thành phố.

Tin, ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Những nhà giáo truyền cảm hứng cho học sinh bằng 'lửa' nghề
Những nhà giáo truyền cảm hứng cho học sinh bằng 'lửa' nghề

"Nếu cứ vững một tâm trong sáng, đầy tâm huyết với nghề thì vẫn nhận được tình yêu và sự kính trọng của nghề", nhà giáo Nguyễn Thu Hà, giáo viên dạy Văn trường THPT Võ Trường Toản (quận 12, TP Hồ Chí Minh) khẳng định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN