Theo dự thảo đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và trường cao đẳng sư phạm đang được Bộ Giáo dục - Đào tạo lấy ý kiến, trong giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030 sẽ đào tạo khoảng 9.000 giảng viên có trình độ tiến sĩ, đạt tỷ lệ 35% tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục. Để thực hiện đề án, Bộ Giáo dục - Đào tạo dự kiến kinh phí 12.000 tỷ đồng, trong đó 94% từ ngân sách nhà nước.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ông Triệu Thế Hùng cho rằng: Để nâng cao năng lực giảng viên Đại học các cơ sở giáo dục từ nay đến năm 2025 thì đây là nhiệm vụ không mới. Đây thực chất là sự kế thừa của Đề án 322 và Đề án 911 đã và đang thực hiện.
Đại biểu Triệu Thế Hùng trả lời phỏng vấn bên lề Quốc hội. |
Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định rằng, trong thời điểm chúng ta đang đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nước nhà, nhất là giáo dục Đại học thì mục tiêu này là tất yếu vì các nhà giáo đóng vai trò quyết định sự thành bại của nền giáo dục, đi liền với các điều kiện khác như chính sách pháp luật, cơ sở vật chất...
"Tôi xin khẳng định việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực các giảng viên Đại học phải làm thường xuyên, liên tục và coi là sự tất yếu trong sự phát triển Đại học", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng nhìn nhận, thời gian qua, chúng ta có lỗ hổng trong chính sách và quản lý nên có xảy ra tình trạng chất lượng đào tạo tiến sĩ không cao, thiếu sự giám sát, kiểm tra. Một số người có tư tưởng muốn phát triển nóng về số lượng. Nhìn lại đề án 911 đã và đang thực hiện với kì vọng đến năm 2020 sẽ có 20.000 tiến sĩ nhưng thực tế đến nay mới có 2.900 nghiên cứu sinh, trong đó một tỉ lệ không lớn đã tốt nghiệp. Đó là mới nhìn vào số lượng thuần túy. Còn về chất lượng, chưa có tổng kết, đánh giá số lượng những người đáp ứng yêu cầu, cống hiến được những gì.
Đề án cũ có nhiều hạn chế: Thứ nhất, để tìm được người giỏi, có trình độ đáp ứng đưa sang nước ngoài đào tạo không nhiều. Thứ hai, chính sách đãi ngộ thu hút họ trở về chưa thỏa đáng. Để đưa sang nước ngoài học thì chi phí rất cao. Những người thực sự giỏi sẽ tự tìm học bổng nhiều hơn đề án của nhà nước. Bên cạnh đó, các mối liên kết đào tạo với cơ sở nước ngoài chưa nhiều nên chúng ta đào tạo trong nước, chạy theo số lượng, có cơ sở buông lỏng tiêu chí tiến sĩ.
"Đào tạo được một bằng tiến sĩ đã khó rồi nhưng đào tạo ra một vị tiến sĩ có trình độ thật để đào tạo nguồn nhân lực là điều rất khó", đại biểu tỉnh Lâm Đồng nhận định.
Đại biểu Triệu Thế Hùng đề nghị muốn làm đề án mới cần tổng kết đề án cũ. Từ đó đưa ra quy mô đào tạo bao nhiêu là vừa. Thống kê số lượng những đối tượng cần bồi dưỡng ở độ tuổi nào, khi về còn cống hiến được bao nhiêu năm. Thống kê theo ngành nghề, ngành nghề nào mà chúng ta chưa đào tạo được, thiếu về cơ sở vật chất thì cần chọn người giỏi đưa sang nước ngoài đào tạo.
Theo đại biểu Hùng, những người đó sẽ ít hơn số 9.000 người mà chúng ta dự kiến hiện nay. Như vậy có thể tăng nguồn tiền tập trung đào tạo đến nơi đến chốn. Những ngành liên kết được thì liên kết với chương trình, giáo viên nước ngoài để giảm chi phí mà chất lượng vẫn đạt được.
"Chúng ta còn thiếu nhiều tiến sĩ so với các trường tiên tiến thế giới. Họ có tỷ lệ 80 - 90% là tiến sĩ, trong khi ở ta tỷ lệ còn thấp, nhất là những trường tốp dưới. Tuy nhiên, số lượng đào tạo phải đi đôi với chất lượng đào tạo", ông Hùng khẳng định lại lần nữa.