Sẽ đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ?
Đề án mới về đào tạo 9.000 tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo thu hút sự quan tâm của dư luận những ngày qua.
Cụ thể, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030, dự kiến kinh phí là 12.000 tỷ đồng.
Vấn đề dư luận quan tâm là, tại sao trong khi Đề án 911 với mục tiêu đến năm 2020 đào tạo 23.000 tiến sĩ chưa kết thúc thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lập đề án mới và liệu có cần thêm nhiều tiến sĩ như vậy không. Bởi hiện nay, chất lượng đào tạo tiến sĩ vẫn còn là vấn đề đáng bàn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện nay khoảng 21%, tức là ở mức thấp, nên phải nâng tỷ lệ này lên. Mục tiêu của Đề án 911 là phải đạt 35%. Thậm chí, với 9.000 tiến sĩ như trong Đề án này cũng mới đạt 30%.
Bên cạnh đó, số lượng 9.000 tiến sĩ này theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ không phải là đào tạo mới và Đề án này cũng không phải là Đề án mới mà đây là đề án chỉnh sửa, nâng cao chất lượng từ Đề án 911, trong đó tập trung vào việc thu hút các tiến sĩ đã đào tạo ở nước ngoài.
Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, kinh phí để đào tạo được thực hiện dưới dạng học bổng, ai dành được thì được hưởng, chứ không phải chia tiền rót về địa phương, rót về các cơ sở đào tạo.
Kỷ luật các cựu lãnh đạo Gia Lai, Đắk Nông
Tại kỳ họp thứ 19, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND tỉnh và ông Phạm Thế Dũng, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với ông Phạm Thế Dũng và yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai xem xét, thi hành kỷ luật Ban cán sự đảng UBND tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ 2011-2016 theo thẩm quyền.
Chiều 7/11/2017, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khai mạc kỳ họp thứ 19, nhiệm kỳ XII. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng quyết định thi hành kỷ luật khiển trách đối với ông Nguyễn Văn Thử, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông.
Trong thời gian giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đắk Nông nhiệm kỳ 2010-2015, ông Nguyễn Văn Thử đã thiếu trách nhiệm, không chỉ đạo kiểm tra, giám sát, để xảy ra vi phạm trong đầu tư xây dựng Kho lưu trữ tỉnh; vi phạm quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp.
“Ngây thơ” quay phát trực tiếp phim chiếu rạp ở Vũng Tàu
Câu chuyện một khán giả 19 tuổi quay và phát phim Cô Ba Sài Gòn trên mạng xã hội (livestream) từ rạp chiếu phim Lotte ở Vũng Tàu đang làm nóng dư luận.
Theo thông tin báo chí đăng tải, vụ việc xảy ra vào suất chiếu trưa ngày 13/11 tại cụm rạp Lotte Vũng Tàu. Một khán giả 19 tuổi vào rạp và livestream bộ phim trên trang Facebook.
Ngay sau khi sự việc bị phát hiện, ban quản lý rạp đã xác định được người thực hiện hành vi này là N.V.T, sinh năm 1998, sinh sống tại Vũng Tàu.
Trong biên bản giải trình sự việc, T. thừa nhận về hành vi "có livestream phim, bị nhân viên phát hiện và tôi đã xóa ngay sau đó". Đồng thời, người này cam đoan sự việc là có thật và chấp nhận chịu mọi hình thức xử lý theo quy định pháp luật.
Sự việc này được dư luận cho là không mới. Lý giải điều này, nhiều người cho rằng đó là do ý thức của người thực hiện hành vi này; đồng thời có trách nhiệm của ban quản lý rạp phim. Tuy nhiên, vụ việc trở nên “ồn ào” khi T. được ban quản lý rạp giao cho công an xử lý.
Trong khi chờ kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng thì dư luận vẫn đang đặt câu hỏi: Liệu sự “thơ ngây” của thanh niên 19 tuổi kia có bị trả giá đắt hay không vì thực tế có những sự việc tương tự đã từng được cho qua.