Quang cảnh Hội nghị.
Theo kế hoạch, kỳ thi diễn ra ngày 26-27/6. Trong năm đầu tiên thực hiện kỳ thi theo chương trình mới, lứa học sinh học theo chương trình 2006 dự thi năm nay sẽ làm đề thi theo chương trình cũ. Vì thế, cùng với đối tượng là học sinh đang học lớp 12 năm học này (chiếm phần lớn), kỳ thi năm nay sẽ có thí sinh tự do thi theo chương trình cũ để xét tốt nghiệp hoặc xét tuyển sinh. Kỳ thi áp dụng sẽ song song 2 quy chế dành cho thí sinh thi theo chương trình 2006 và thí sinh thi theo chương trình 2018.
Trong đó, thí sinh thi theo chương trình 2018 sẽ thi hai môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn và 2 môn tự chọn trong số các môn học cấp Trung học phổ thông. Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, số buổi thi giảm còn 3 buổi, thay vì 4 buổi như năm ngoái. Đề thi theo hướng đánh giá năng lực, môn Ngữ văn có thể sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Trong điểm xét tốt nghiệp, điểm học bạ chiếm 50%, thay vì 30% như năm ngoái. Kết quả học tập, rèn luyện của thí sinh đang học lớp 12 sẽ được tự động đồng bộ từ cơ sở dữ liệu ngành. Việc xếp phòng thi sẽ theo bài thi tự chọn, một thí sinh chỉ ngồi một phòng thi trong ba buổi. Số lượng phòng thi sẽ tăng so với trước đây do thí sinh đăng ký nhiều tổ hợp môn khác nhau. Trong buổi thi tự chọn, mỗi ca thi trong một phòng thi có thể thi đồng thời nhiều môn khác nhau, có thể lên đến 5 môn.
Trao đổi tại hội nghị, lãnh đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm nay, kỳ thi có nhiều điểm mới, nhất là việc thực hiện song song hai quy chế thi và hai đề thi, dành cho thí sinh thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 và chương trình giáo dục phổ 2018. Vì thế, việc chuẩn bị, tổ chức kỳ thi khá áp lực, nhất là với các địa phương có lượng thí sinh đông như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Lãnh đạo các sở kiến nghị Bộ cung cấp đề thi cho địa phương sớm hơn 1-2 ngày so với năm trước để thuận lợi cho công tác in sao đề. Đồng thời, Bộ cho phép địa phương chủ động về phương án kỹ thuật, nhân sự ở khâu in sao đề thi để đảm bảo an toàn, phù hợp với tình hình thực tế. Bộ cũng cần sớm có hướng dẫn cụ thể trong công tác in sao đề, chấm thi trong bối cảnh thực hiện hai loại đề thi theo chương trình cũ và mới.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng nhìn nhận, tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông là một nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục. Công tác tập huấn quy chế, nghiệp vụ tổ chức kỳ thi có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, công bằng, hiệu quả, chất lượng. Bối cảnh các bộ, ngành, địa phương thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy cũng có tác động, ảnh hưởng nhất định đến công tác tổ chức, chỉ đạo kỳ thi. Tuy nhiên, không vì câu chuyện sắp xếp mà lơ là trong tổ chức kỳ thi.
Nhấn mạnh muốn thi tốt phải dạy và học tốt, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng yêu cầu các sở chỉ đạo tốt công tác dạy học, nhất là bối cảnh thực hiện Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về quản lý dạy thêm, học thêm. Trong đó, các trường cần chú trọng đổi mới phương pháp dạy và học để nâng cao chất lượng giáo dục, đảm bảo kết quả học tập tốt cho học sinh trong quá trình học. Tinh thần những năm tới là hướng tới không ôn thi quá dài. Vì thế, năm tới, kỳ thi có thể được tổ chức ngay sau khi hoàn thành chương trình năm học, chứ không kéo dài việc ôn thi cả tháng như hiện nay. Thứ trưởng yêu cầu các trường tổ chức thi thử với tinh thần vận hành thật, đánh giá thật và sử dụng kết quả đó phân loại học sinh để các em bổ sung kiến thức kịp thời. Đây cũng là dịp để thầy, cô giáo tập dượt công tác tổ chức, coi thi. Trước kiến nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, Thứ trưởng cho biết, Bộ sẽ bàn giao đề thi sớm, tạo thuận lợi cho công tác in sao đề thi.
Kỳ thi năm nay thực hiện đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đảm bảo gọn gàng, giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội nhưng vẫn đảm bảo công bằng, chất lượng. Kỳ thi vừa đảm bảo đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông vừa phục vụ cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng.
“Với tính chất và tình hình tổ chức kỳ thi năm nay, các địa phương phải làm tốt công tác chuẩn bị, cả về cơ sở vật chất và con người. Trong đó, cần phải dự báo được những khó khăn, phức tạp, những vấn đề, khâu dễ xảy ra rủi ro, để trên cơ sở đó dự báo các nhiệm vụ giải pháp tương ứng, sẵn sàng ứng phó, giải quyết” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng lưu ý.