Với câu hỏi “Tại sao cần phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù là rất nhỏ của nước ta?” trong đề thi địa lý ngày thi thứ hai của kỳ thi tốt nghiệp THPT (3/6) lại tiếp tục gắn với vấn đề thời sự đang “nóng” hiện nay: Chủ quyền biển đảo.
Đề thi làm “giảm nhiệt” mùa thi
Đề thi địa lý được đa phần thí sinh đánh giá là vừa sức, với kiến thức chủ yếu nằm trong chương trình sách giáo khoa, không đánh đố thí sinh. Các thí sinh đều tự tin sẽ đạt điểm khá trở lên.
Thí sinh hào hứng với nội dung biển đảo trong đề thi địa lý. Ảnh: Đan Phương |
Đề thi gồm 4 câu, trong đó có 1,5 câu liên quan đến vùng biển và chủ quyền biển đảo. Phần 1 của câu 2 được các thí sinh đánh giá là hay và thời sự nhất với câu hỏi: “Tại sao cần phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù là rất nhỏ của nước ta?”. Thí sinh Hồng Thùy Trang (12 chuyên Nhật, THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho biết: “Chúng em đều đoán đề thi môn địa năm nay sẽ vào biển đảo vì đây là vấn đề thời sự mọi người quan tâm. Câu hỏi về biển đảo rất hay, chúng em vừa áp dụng được kiến thức đã học, vừa có thể thể hiện hiểu biết về đời sống, tình hình thời sự biển đảo hiện nay”.
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp quốc gia, kết thúc ngày thi thứ 2, đề thi các môn được bảo mật an toàn tuyệt đối trong tất cả các khâu. Đề thi của các môn toán, hóa học, địa lý có nội dung phù hợp với chuẩn kiến thức kỹ năng của chương trình THPT, đáp ứng yêu cầu đổi mới thi theo định hướng đánh giá năng lực. Đề thi môn địa lý có câu hỏi gắn với nội dung bảo vệ chủ quyền, biển đảo, có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm công dân. |
Tại hội đồng thi trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh), thí sinh Khánh Linh, học sinh trường THPT Võ Thị Sáu phấn khởi nói: “Đề thi môn địa lý không khó, chỉ cần nhìn vào Atlat là có thể làm được 80% bài thi. Năm nay câu hỏi về biển đảo được đưa vào trong đề thi khiến tụi em rất thích thú. Trong tất cả các câu em thích nhất là câu hỏi về biển đảo. Đặc biệt là phần câu hỏi thể hiện suy nghĩ của học sinh về bảo vệ biển đảo dù hòn đảo đó rất nhỏ”.
Với các môn thi còn lại trong ngày 3/6, các thí sinh đều đánh giá là vừa sức. Năm nay, thời gian thi môn toán giảm xuống còn 120 phút, nên không có nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi sớm như mọi năm. Hầu hết thí sinh đều ở lại phòng thi đến giờ nộp bài. Ghi nhận của nhiều thí sinh, đề thi môn toán năm nay không khó, chỉ cần đọc kỹ và nắm chắc kiến thức cơ bản là có thể làm bài tốt. Vì vậy, thí sinh có học lực trung bình cũng phải làm được đến 70-80% bài thi. Tại Hà Nội, thí sinh Phạm Thị Ngân Giang, học sinh trường THPT Ngô Thì Nhậm (quận Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Đề toán sáng nay có 5 câu hỏi em làm được 4 câu, có 1 câu hỏi hình học em làm chưa được đúng lắm. Đề nằm hết trong chương trình chúng em đã học, em hy vọng đạt khoảng 7 điểm”.
Đối với môn hóa, nhiều thí sinh cũng phấn khởi vì đề hóa cũng “không đến nỗi khó”. Thí sinh Minh Duy, trường THPT Gia Định (TP Hồ Chí Minh) cười tươi nói: “Nhìn chung đề hóa khá dễ, không có câu nào khó hay đánh đố, lắt léo. Với đề này em tự tin mình được 9 điểm. Thi xong môn hóa là em đã hoàn thành xong kỳ thi tốt nghiệp. Dự kiến tổng số điểm của 4 môn thi tốt nghiệp em đạt trên 30 điểm”.
Theo thầy Đỗ Đức Thắng, Phó Chủ tịch hội đồng thi trường THPT Ngô Thì Nhậm (Hà Nội), đề thi môn toán dù không khó, nhưng có sự phân loại rõ ràng đối với học sinh. Những học sinh nào học lực khá thì mới kiếm được điểm cao, tuyệt đối. Những học sinh trung bình có thể được 5 điểm. Còn thầy giáo Trần Mạnh Tùng, trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội cho rằng: “Đề toán tốt nghiệp năm nay cơ bản nằm trong chương trình lớp 12, mức độ vừa phải, đề không có yếu tố lạ, giống với dạng đề hàng năm. Do thời gian còn 120 phút nên đề ngắn hơn, không có câu hỏi phần số phức, đề vẫn có khả năng phân loại thí sinh. Nói chung đề có câu khó hơn năm trước một chút”.
Đánh giá đề thi môn hóa học, thầy Anh Tài, giáo viên THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội nhận xét: “Theo quan điểm của tôi, đề thi tốt nghiệp môn hóa năm nay nội dung nằm trong sách giáo khoa lớp 12. Đề thi có 40 câu, gồm có 8 câu bài tập và 32 câu lý thuyết, không còn phần tự chọn như mọi năm. Nhìn chung đề thi năm nay khó hơn nhiều so với đề thi tốt nghiệp của những năm trước. Có một số câu các thầy, cô sẽ không chú trọng khi ôn thi cho các học sinh. Theo tôi, với đề thi này những học sinh có lực học trung bình hoặc các bạn không thi đại học khối A, B thì sẽ khó đạt điểm 5”.
Tạo điều kiện những thí sinh ở xa
Các đoàn thanh tra không báo trước của Bộ GD - ĐT tiếp tục chia làm nhiều hướng để thanh tra. Trong ngày 3/6, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển, Trưởng Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT Trung ương năm 2014, đã kiểm tra đột xuất công tác coi thi tại hội đồng coi thi trường THPT Cao Bá Quát (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội). Tại đây, Thứ trưởng đã đề nghị tập thể cán bộ hội đồng coi thi trường THPT Cao Bá Quát từ nay đến môn thi cuối cùng cố gắng phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, tổ chức coi thi nghiêm túc, đúng quy chế thi, quan tâm đến các trường hợp thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các em có điều kiện thuật lợi nhất để đi thi. Đồng thời chú ý cả những thí sinh ở xa để có biện pháp động viên nhắc nhở, hỗ trợ các em điều kiện thuận lợi trong quá trình đến trường thi.
Tổng hợp cuối ngày từ các địa phương cho thấy, kết thúc ngày thi thứ 2 có 6 thí sinh bị đình chỉ thi. Ở môn toán, có 4 thí sinh vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi do mang điện thoại vào phòng thi, gồm 1 thí sinh THPT và 3 thí sinh GDTX. Trong ca thi môn hóa học, có 1 thí sinh GDTX vi phạm quy chế, bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động; ở ca thi môn địa lý có 1 thí sinh GDTX bị đình chỉ thi do mang tai nghe bluetooth vào phòng thi. Trong ngày thi, không có giám thị nào vi phạm quy chế thi. |
Cùng ngày, đoàn thanh tra đột xuất của Bộ GD-ĐT do ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng dẫn đầu đã thanh tra hai hội đồng thi của tỉnh Hòa Bình.
Tại hội đồng thi trường THPT Nam Lương Sơn, ông Đặng Văn Lạc, Phó chủ tịch hội đồng thi, cho biết, có khoảng 20-30 thí sinh ở cách xa hội đồng thi khoảng 9 km. Trường đã tạo điều kiện cho thí sinh được ở lại buổi trưa tại trường trong những ngày thi hai buổi. Giữa hai ca thi trong một buổi thi, trường đã bố trí khu nhà riêng để thí sinh ngồi đợi. Còn tại hội đồng thi THPT Nguyễn Trãi, Lương Sơn, đại diện hội đồng thi cho biết, trường có 182 thí sinh dự thi. Điều đặc biệt ở hội đồng thi này đó là thí sinh duy nhất thi vật lý cũng là thí sinh duy nhất thi ngoại ngữ. Trường cũng tổ chức hội đồng thi riêng cả hai môn cho thí sinh, vì thí sinh không đồng ý với việc ghép hội đồng.
Đánh giá của Ban chỉ đạo thi tỉnh Hòa Bình, số thí sinh ngoại ngữ ít thể hiện “đặc thù” của địa phương. Nhìn chung, học sinh miền núi vẫn thiên về các môn khoa học xã hội nhiều hơn. Gần 400 học sinh đăng ký thi ngoại ngữ của tỉnh đều ở thành phố Hòa Bình.
Hôm nay (4/6), thí sinh có lựa chọn môn ngoại ngữ và sinh học sẽ làm bài thi vào buổi sáng.
Nhóm phóng viên