Một trong những quan tâm của các trường đại học là với những đặc thù khác nhau trong thang điểm từng ngành thì khi tham gia nhóm lớn có bị ảnh hưởng không.
Các trường đại học bày tỏ băn khoăn khi tham gia nhóm lớn. |
PGS TS Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Nếu lấy thang điểm 10 hoặc 30 điểm thì cần quan tâm tới những ngành thí sinh thi ngoại ngữ. Thang điểm của ngoại ngữ rất nhỏ, trong khi đó phải thêm các tiêu chí phụ nữa. Vậy không rõ là dùng thang điểm 10 như năm nay có ảnh hưởng đến xét tuyển của mỗi trường không khi tham gia vào nhóm chung”.
“Cần cân nhắc nên lấy thang điểm 30 (cộng 3 môn) thay vì thang điểm 10”, PGS TS Phạm Văn Bổng nhấn mạnh.
Theo GS Trịnh Minh Thụ, Hiệu trưởng ĐH Thủy lợi Hà Nội cho biết: “Điều tôi lo lắng nhất là cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin. Năm ngoái, nhóm chỉ gồm 12 trường nên dễ dàng trong việc thỏa thuận hơn. Do đó, nếu năm nay số lượng trường tăng hơn nhiều thì nhóm cần đưa ra quy định chốt điểm chuẩn của trường, ngành, nhóm ngành. Nếu đã chốt rồi thì không được trường nào thay đổi. Vì chỉ cần một ngành, nhóm ngành thay đổi thôi thì ảnh hưởng đến kết quả tuyển sinh chung của các trường còn lại. Mặt khác, như mọi năm để thang điểm 30 thì năm nay cũng nên để như vậy”.
Lãnh đạo trường ĐH Vinh cho rằng tuyệt đối không điều chỉnh điểm chuẩn nguyện vọng 1, nếu thiếu thí sinh thì sẽ xét tuyển theo nguyện vọng bổ sung.
Tôn trọng quyền tự chủ của các trường
GS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Nguyên tắc đầu tiên của nhóm là dựa vào điểm thi quốc gia. Thứ hai, về nhóm ngành, mã ngành, các trường đã đăng ký với Bộ rồi sẽ được đưa lên hệ thống phần mềm tuyển sinh chung của Bộ.
“Lợi ích lớn nhất của việc lập nhóm xét tuyển là loại được thí sinh ảo khi các trường được Bộ cung cấp dữ liệu thí sinh chuẩn. Việc còn lại, các trường cần chuẩn bị rõ yêu cầu của mình trong nhóm ngành, hay ngành tuyển sinh. Để chuẩn bị cho tuyển sinh, nhóm kĩ thuật đã hỗ trợ, hoàn thiện phần mềm để xét tuyển”, GS Hoàng Minh Sơn cho biết.
GS Hoàng Minh Sơn cũng cho rằng: Nguyên tắc của thang điểm nhóm năm nay là tôn trọng tối đa quyền tự chủ của các trường tham gia. Khi các trường tham gia nhóm, không ảnh hưởng gì tới quy định của từng trường, đặc biệt là thang điểm. Thực tế, không chỉ có thang điểm 30 mà còn có thể có thang điểm 40, rồi có những thang điểm khác khi mà các trường có những môn xét tuyển riêng chẳng hạn như môn năng khiếu hay xét tuyển theo học bạ. Nên thang điểm nào đưa ra là hoàn toàn do các trường, phần mềm chấp nhận được việc đó, không cần thiết thống nhất về thang điểm 10 - 30 hay 40. Đó hoàn toàn là quyền tự chủ của các trường xác định.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đang hoàn thiện quy chế tham gia nhóm. Các trường cùng góp ý hoàn thiện quy chế các lịch trình cụ thể trong xét tuyển. Đến thời gian xét tuyển, các trường sẽ thực hiện đúng theo quy trình này.