Vinh danh chữ Quốc ngữ là cách góp phần bảo tồn tiếng Việt, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đây cũng là mục tiêu cao nhất của những nhà nghiên cứu hết mình với chữ Quốc ngữ. Cũng với mong muốn này, một nhóm các nhà khoa học, văn nghệ sĩ bao gồm GS. Nguyễn Đăng Hưng (GS ĐH Standard - Bỉ, Viện trưởng Viện Vinh danh Chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt, ĐH Duy Tân), nhà văn Hoàng Minh Tường, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán... đã thực hiện hành trình tìm lại cội nguồn của chữ Quốc ngữ.
Ngày 5/11/2018, nhóm các nhà khoa học, văn nghệ sĩ sang Iran đến làm lễ và đặt bia tri ân trên mộ phần giáo sĩ Alexandre de Rhodes, nhân ngày giỗ thứ 358 của Đức cha. Buổi lễ đã có sự tham dự của chính quyền thành phố, 20 công dân Việt Nam đến từ ba miền đất nước và một số người Việt định cư ở nước ngoài.
Đoàn làm lễ và đặt bia đá với dòng chữ: “Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latinh” trên mộ phần cha Alexandre de Rhodes.
Đây chỉ là một phần trong hành trình “về nguồn”để tìm lại những con người có công với chữ Quốc ngữ, nhưng theo Tổng biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn, đoạn tư liệu 23 phút được trình chiếu đã ghi lại hành trình đáng trân trọng để kỷ niệm chữ Quốc ngữ được công nhận là chữ viết chính thức của dân tộc Việt Nam.
Tại sự kiện, GS. Nguyễn Đăng Hưng cho biết, sau 1 năm đảm nhiệm vai trò Viện trưởng Viện Vinh danh chữ Quốc ngữ, bảo vệ và phát triển tiếng Việt trực thuộc Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), ông vẫn đang nhiệt huyết với các kế hoạch sắp tới để tôn vinh chữ Quốc ngữ.
Là một người có bề dày nghiên cứu về chữ Quốc ngữ, GS. Nguyễn Đăng Hưng chia sẻ, mong muốn tiếp tục các hoạt động vinh danh và tri ân những nhà khai phóng, đã góp công hình thành và quảng bá chữ Quốc ngữ, duy trì và phổ biến tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Trong kế hoạch dài hơi, ông Hưng cho biết, Viện Vinh danh chữ Quốc ngữ và Bảo tồn tiếng Việt sẽ tổ chức một Hội thảo quốc tế và xây dựng Không gian tưởng niệm các bậc tiền bối đã khai sinh, phổ biến chữ Quốc ngữ, tôn vinh tiếng Việt và chữ Quốc ngữ tại Hội An trong năm nay. Không gian tôn vinh chữ Quốc ngữ này sẽ được xây dựng nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày vua Khải Định xuống chiếu chấm dứt các kỳ thi chữ Hán, mở đầu thời đại chữ Quốc ngữ lên ngôi trở thành chữ viết của dân tộc Việt Nam (1919 - 2019).
“Sự ra đời và phổ biến của chữ Quốc ngữ có công sức của nhiều người: Các giáo sỹ Bồ Đào Nha (Francisco De Pina, Gaspar De Amaral, Antonio Barbosa…, các cộng tác viên người Việt, các học giả người Việt: Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh…), vinh danh và tri ân cha Alexandre De Rhodes, không thể bỏ qua sự đóng góp của họ. Không gian này sau khi xây dựng sẽ là một địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, cũng như tập hợp các sinh hoạt văn hóa liên quan đến Việt học”, GS. Nguyễn Đăng Hưng nhấn mạnh.