Tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác xóa mù chữ giai đoạn 2008 - 2018. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết: Đầu thế kỷ XX, chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thống của Việt Nam, nhưng phải đến năm 1917, chữ quốc ngữ mới giành được thắng lợi hoàn toàn trước chữ Hán và chữ Nôm, phát huy mạnh mẽ tác dụng trên mọi lĩnh vực khoa học, giáo dục, văn hóa, y tế… và ảnh hưởng to lớn đến văn hóa nước nhà. Tuy vậy, chữ quốc ngữ vẫn không được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, khi đó có tới 95% dân số nước ta mù chữ.
Sau khi Đảng ta ra đời, theo đề nghị của đồng chí Trường Chinh, Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập một tổ chức công khai chống nạn thất học. Thực hiện chủ trương của Đảng, các đồng chí Trần Huy Liệu, Đặng Thai Mai, Võ Nguyên Giáp, qua ông Phan Thanh – một nhà giáo, trí thức trẻ có tài hùng biện, đồng thời là dân biểu của Viện Dân biểu Trung kỳ khóa III, đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương ở Viện Dân biểu hồi đó đứng ra vận động, mời những nhân sĩ trí thức để bàn bạc, thành lập một tổ chức công khai chống nạn thất học.
Hội Truyền bá quốc ngữ ra đời, được Thống xứ Bắc kỳ công nhận sự hợp pháp vào ngày 29/7/1938, nhưng lấy ngày 25/5/1938 làm ngày thành lập chính thức. Ngày 9/9/1938, Hội khai giảng khóa học đầu tiên ở 2 khu trường Trí Tri và Thăng Long. Từ tháng 6/1940 – 7/1944, Hội đã mở được 820 lớp học, có 2.908 giáo viên, 41.118 học viên. Tính đến tháng 9/1944, số học viên thoát nạn mù chữ là 9.458 người.
Tại miền Trung, Hội chính thức thành lập ngày 5/1/1939. Tại miền Nam, ngày 5/11/1944 được coi là ngày thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ Nam Kỳ với tên mới là Hội Truyền bá quốc ngữ Nam Việt.
Sau cách mạng tháng 8/1945, phong trào "Bình dân học vụ" ra đời, Hội Truyền bá Quốc ngữ đã giao lại kho sách và học vụ còn lưu giữ. Trong 7 năm hoạt động, thời gian không dài nhưng Hội đã tìm ra được phương pháp dạy vần quốc ngữ, góp phần thanh toán nạn mù chữ cho một số lượng đáng kể người lao động; đào tạo rèn luyện nhiều cán bộ có năng lực, trình độ..., xây dựng, phát triển phong trào học tập trong quần chúng. Đó là đóng góp to lớn, có ý nghĩa nhất định cho tiến bộ xã hội, cho cách mạng nước ta.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh: Trong suốt gần 20 năm qua, từ khi Việt Nam tự hào công bố với thế giới trở thành một nước đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, công tác xóa mù chữ vẫn được duy trì liên tục, bền bỉ và đạt được nhiều thành tích đáng kể. Độ tuổi xóa mù chữ được mở rộng đến 60 tuổi, chuẩn biết chữ được nâng lên. Đến nay, 97,35% dân số trong độ tuổi từ 15-60 đã biết chữ, tỷ lệ biết chữ của đồng bào dân tộc thiểu số cũng tăng lên 92,56%; có 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện và 99% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ.
Tại lễ kỷ niệm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khen thưởng nhiều điển hình tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xóa mù chữ thời gian qua.
Được linh mục Alexandre de Rhodes người Pháp đưa vào Việt Nam từ thế kỷ 17, tới đầu thế kỷ 20, chữ quốc ngữ đã trở thành chữ viết chính thống của quốc gia. Để chữ quốc ngữ trở thành chữ viết hoàn chỉnh như ngày nay, không thể không kể đến công lao đóng góp to lớn của lớp trí thức của Việt Nam như: Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Nguyễn Văn Tố...