Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn: ‘Mong mỏi được đến trường của học sinh, giáo viên là chính đáng’

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ với báo chí về việc thích ứng an toàn khi đón học sinh trở lại trường cũng như kế hoạch của ngành giáo dục năm 2022.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn. Ảnh: TTXVN.

Thưa Bộ trưởng, Bộ GD&ĐT đã có kịch bản dạy học như thế nào trong năm 2022?

Bám sát tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/ NQ-CP của Chính phủ, Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo các tỉnh/thành phố thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập, và hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục. Đồng thời, Bộ GD&ĐT chủ động làm việc với Bộ Y tế để thống nhất các nội dung đảm bảo an toàn học đường cho học sinh học tập trực tiếp.

Tuy nhiên, trong tình hình dịch diễn biến phức tạp, số bệnh nhân COVID-19 đang ngày càng tăng cao, Bộ GD&ĐT tiếp tục bám sát thực tễ diễn biến của dịch bệnh, đánh giá tình hình để đưa ra các quyết sách phù hợp.

Thời gian tới, ngành Giáo dục sẽ có những thay đổi như thế nào trong dạy học để phù hợp bối cảnh mới?

Mong mỏi được đến trường học tập trực tiếp của học sinh, giáo viên là rất chính đáng. Đối với ngành Giáo dục, việc chuyển trạng thái sang thích ứng an toàn, dần mở cửa trường học là nhiệm vụ rất quan trọng để các hoạt động giáo dục sớm quay trở lại trạng thái bình thường.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều hướng dẫn cụ thể gửi các địa phương về việc dạy học trực tiếp, mở cửa trường học an toàn. Bộ GD&ĐT cũng đã phối hợp với Bộ Y tế để có hướng dẫn tới từng cơ sở giáo dục về các phương án đảm bảo an toàn khi học sinh trở lại trường học trực tiếp.

Cùng với việc mở cửa trường học, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương có kế hoạch bù đắp kiến thức cho học sinh sau khi các em được trở lại học trực tiếp, trong đó rà soát, đánh giá và phân định từng nhóm học sinh cụ thể để lên kế hoạch dạy bù trong ngắn hạn và dài hạn. Việc bù đắp kiến thức được ngành Giáo dục xác định không chỉ thực hiện trong một năm học này.

Thời gian tới, chắc chắn sẽ tiếp tục là một giai đoạn khó khăn với ngành Giáo dục. Học sinh trở lại trường học, những lỗ hổng về kiến thức sẽ phải được tính toán để bù đắp; những tác động, tổn thương tâm lý, tinh thần của các em cũng phải được đánh giá đầy đủ để từng bước có giải pháp bù đắp. Bộ GDĐT sẽ bám sát tỉnh hình thực tế để có những chỉ đạo, hướng dẫn sát sao việc dạy và học trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều khó khăn.

Xin Bộ trưởng chia sẻ về lĩnh vực được ngành Giáo dục ưu tiên chỉ đạo trong năm 2022?

Trong năm 2022, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới căn bản toàn diện theo tinh thần Nghị quyết 29 và Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó, ưu tiên triển khai một số công việc sau: Triển khai thật tốt đổi mới giáo dục phổ thông, củng cốt chất lượng dạy và học để ứng phó với dịch bệnh và tăng cường các kỹ năng số, văn hóa số cho học sinh. Đây là giải pháp căn cơ, lâu dài cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước.

Thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, trong đó, phát triển mạnh mẽ và ưu tiên các trường thuộc khối công nghệ và kỹ thuật. Đặc biệt là nhóm đào tạo về công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo để đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay một số lĩnh vực như đảm bảo an toàn thông tin mạng, số lượng thiếu hụt lên đến hàng chục nghìn người. Đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục, khuyến khích các doanh nghiệp lớn phát triển các trường đại học đào tạo về khối kỹ thuật và công nghệ. Tăng cường kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị sử dụng lao động, nhất là giữa các doanh nghiệp và các trường đại học. Cần phải hỗ trợ kịp thời cho những sinh viên chậm tốt nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Đồng thời, tăng cường năng lực đào tạo, đưa các trường đại học quay trở lại đào tạo bình thường để có thể giải quyết được nguồn nhân lực trước mắt cho các năm 2022, 2023.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lê Vân (ghi)/Báo Tin tức
Cần làm gì trước nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 khi trẻ đi học trở lại?
Cần làm gì trước nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 khi trẻ đi học trở lại?

Trẻ trở lại trường học, cha mẹ cần làm gì để trẻ được an toàn trước dịch COVID-19? Khi trẻ nhiễm bệnh, cha mẹ cần theo dõi, xử trí thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN