Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến việc cho phép các trường tự chọn sách giáo khoa

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên, để lấy ý kiến góp ý của dư luận.

Chú thích ảnh
Ban giám hiệu và tổ chuyên môn tường Tiểu học Liêm Chính (Hà Nam) kiểm tra các đầu sách mà nhà cung ứng cấp về nhà trường. Ảnh (tư liệu) minh họa: Đại Nghĩa/TTXVN

Thông tư được áp dụng đối với trường Tiểu học, Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên - Giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông.

Khi được ban hành, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.

Khác với quy định hiện hành tại Thông tư số 25/2020/TT - BGDĐT là hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành phố thành lập, giúp UBND cấp tỉnh lựa chọn sách giáo khoa, dự thảo mới quy định: Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông do hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông hoặc giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên, giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thành lập, giúp người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức lựa chọn sách giáo khoa.

Mỗi cơ sở giáo dục phổ thông thành lập một hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng.

Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của nhà trường bao gồm: Người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu; đại diện tổ chuyên môn; đại diện giáo viên, đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của cơ sở giáo dục phổ thông. Người đã tham gia biên soạn sách giáo khoa hoặc tham gia chỉ đạo biên soạn, xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa và người làm việc ở các nhà xuất bản, các tổ chức có sách giáo khoa không được tham gia hội đồng.

Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 11 người. Đối với cơ sở giáo dục phổ thông có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 5 người. 

Nhiệm vụ của hội đồng là tổ chức thẩm định biên bản các cuộc họp của tổ chuyên môn; các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên; danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn. Từ đó, tổng hợp, đề xuất với người đứng đầu trường danh mục sách giáo khoa do các tổ chuyên môn lựa chọn sau khi đã thẩm định đạt yêu cầu. 

Chủ tịch Hội đồng chịu trách nhiệm về hoạt động, lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch làm việc của hội đồng. Bên cạnh đó, Chủ tịch hội đồng chịu trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở. 

Căn cứ vào kết quả của các trường do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục lựa chọn sách giáo khoa của các trường tại địa phương.

UBND cấp tỉnh phải đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục sách được phê duyệt để sử dụng trong các trường trước 30/4 hàng năm. Trong quá trình sử dụng, nếu có kiến nghị của giáo viên, học sinh và phụ huynh, các trường đề xuất Phòng hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách.

Tại dự thảo Thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đưa ra ba nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa gồm: Thứ nhất, lựa chọn sách giáo khoa trong danh mục sách giáo khoa đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông; thứ hai, mỗi môn học, hoạt động giáo dục được thực hiện trong cơ sở giáo dục phổ thông ở mỗi khối lớp lựa chọn một sách giáo khoa; thứ ba, việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch.

Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa là phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục phổ thông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo này đến ngày 20/12/2023.

Việt Hà (TTXVN)
Tháo gỡ khó khăn để sách giáo khoa chữ Braille sớm đến với trẻ em khiếm thị
Tháo gỡ khó khăn để sách giáo khoa chữ Braille sớm đến với trẻ em khiếm thị

Ngày 20/10, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, Hội Người mù Việt Nam tổng kết 25 năm (1998 - 2023) triển khai công tác phụ nữ và trẻ em.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN