Bình Phước: Đào tạo nâng chuẩn trình độ giáo viên

Tỉnh Bình Phước đang thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh năm 2024 theo Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ.

Chú thích ảnh
Giáo viên giảng dạy tại trường Tiểu học Trịnh Hoài Đức, xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Ảnh minh họa: K GỬIH/TTXVN

Cụ thể, UBND tỉnh Bình Phước yêu cầu đến hết năm 2024, bảo đảm đạt ít nhất 44% số giáo viên mầm non phải thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo được cử đi đào tạo hệ cao đẳng sư phạm. Gần 67% số giáo viên tiểu học phải thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo được cử đi đào tạo hệ đại học sư phạm. 88% số giáo viên trung học cơ sở phải thực hiện nâng chuẩn trình độ đào tạo được cử đi đào tạo hệ đại học sư phạm.

Tổng số giáo viên thực hiện đi đào tạo nâng chuẩn trình độ năm 2024 theo kế hoạch là 244 người. Trong đó, giáo viên Mầm non, đào tạo từ trình độ trung cấp lên cao đẳng là 21 người; giáo viên Tiểu học là 98 người (đào tạo từ trình độ trung cấp lên đại học 27 người, đào tạo từ trình độ cao đẳng lên đại học 71 người); giáo viên trung học cơ sở, đào tạo từ trình độ cao đẳng lên đại học 125 người.

Đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo, gồm: giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên (tính từ ngày 1/7/2020) còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định; giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 8 năm công tác (96 tháng) đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định; giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 1/7/2020 còn đủ 7 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Bình Phước ưu tiên bố trí những giáo viên còn đủ tối thiểu năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 71/2020/NĐ-CP tham gia đào tạo trước. Trường hợp giáo viên không còn đủ năm công tác, không thuộc đối tượng thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo thì thực hiện theo quy định tại Thông tư số 24/2020/TT-BGDĐT ngày 25/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn được đào tạo. Đồng thời, việc thực hiện lộ trình phải bảo đảm khách quan, công khai, công bằng và hiệu quả.

Việc xác định lộ trình và tổ chức thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên phải bảo đảm phù hợp với thực trạng đội ngũ giáo viên và điều kiện của các cơ sở giáo dục, địa phương; không để xảy ra tình trạng thiếu giáo viên giảng dạy. Việc xác định đối tượng giáo viên tham gia đào tạo nâng trình độ chuẩn được đào tạo phải bảo đảm đúng độ tuổi, trình độ đào tạo của giáo viên.

Nhật Bình (TTXVN)
Góp ý xây dựng chế độ, chính sách cho giáo viên vùng cao
Góp ý xây dựng chế độ, chính sách cho giáo viên vùng cao

Dự thảo Luật Nhà giáo 2024 có nhiều nội dung mới, trong đó có chính sách thu hút và chính sách tiền lương đối với giáo viên. Bàn về những đổi mới trong các chính sách này, nhiều giáo viên đang công tác tại vùng sâu, vùng xa tỉnh Nghệ An mong muốn Luật Nhà giáo sẽ tạo động lực lớn, giúp họ ổn định cuộc sống và khuyến khích họ gắn bó lâu dài với nghề, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN