Theo đề án, Yên Bái sẽ di dời, xóa bỏ 151 trường học và 604 điểm trường lẻ; xây mới, nâng cấp, sửa chữa hơn 700 lớp học. Hơn 1.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên giáo dục dôi dư sẽ phải bố trí, sắp xếp lại công việc.
Sau hơn 3 tháng triển khai thực hiện, nhiều vấn đề nảy sinh từ thực tiễn khiến các địa phương, các trường thực hiện đề án đang phải loay hoay tìm cách tháo gỡ. Do tăng quy mô ở điểm trường chính, học sinh từ các điểm trường lẻ dồn về với số lượng lớn trong khi chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất đã gây nên tình trạng “quá tải” học sinh tại các điểm trường chính. Học sinh tại nhiều trường mầm non phải đi học quá xa, xuất hiện tình trạng phụ huynh cho con em nghỉ học.
Để giải quyết vấn đề “quá tải” về cơ sở vật chất, các địa phương thực hiện đề án đã chủ động bố trí vốn để sửa chữa, di dời các phòng học, xây dựng, bổ sung thêm một số công trình phụ trợ để kịp đưa vào sử dụng. Song trước mắt chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu để bảo đảm các điều kiện học tập và sinh hoạt của học sinh. Toàn tỉnh Yên Bái vẫn còn hàng chục phòng học phải bố trí học nhờ, học tạm. Tại các điểm học nhờ, học tạm này, cơ sở vật chất không đủ điều kiện, thiếu các trang thiết bị thiết yếu.
Do nhà kho không đáp ứng được nên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, phải xếp gạo vào trong phòng học. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN |
Theo đề án, tỉnh Yên Bái tính toán có thể giảm bớt biên chế, từ đó giảm bớt được chi phí, song thực tế tỉnh này sẽ phải chi thêm hàng chục tỷ đồng mỗi năm cho học sinh học nội trú, bán trú khi di chuyển từ các điểm trường lẻ về học tại điểm trường chính. Cùng với đó, Yên Bái cũng sẽ phải tăng thêm các chi phí nhân công để chăm sóc và quản lý lượng học sinh này.
Bên cạnh đó, đường sá đi lại tại các huyện vùng núi Yên Bái rất khó khăn, việc di dời, tháo dỡ các điểm trường lẻ đưa về trường tập trung rất tốn kém và không hiệu quả. Nhiều điểm trường lẻ dù mới được xây dựng nhưng phải dỡ bỏ hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng không phù hợp, gây lãng phí. Việc buộc phải xây dựng, đầu tư thêm cơ sở vật chất tại các điểm trường chính vốn chật chội và khó khăn về quỹ đất là điều không thể tránh khỏi và đều cần nguồn kinh phí lớn. Một số hiệu trưởng, hiệu phó tại điểm trường nay phải miễn nhiệm, chờ nghỉ hưu, hoặc làm giáo viên đứng lớp khi về trường tập trung gây xáo trộn, hàng trăm giáo viên sẽ phải đào tạo lại…
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Xà Hồ, huyện Trạm Tấu sau khi tái sắp xếp có hơn 850 học sinh. Số lượng học sinh về điểm trường chính đột ngột tăng trong khi cơ sở vật chất của nhà trường chưa kịp đáp ứng nhu cầu. Nhà trường buộc phải cải tạo khu nhà ăn thành phòng ở cho học sinh, khoảng sân chơi vốn đã chật chội nay được lợp mái tôn che mưa nắng làm nhà ăn tạm thời. Lớp học nhỏ, lại không đủ, học sinh phải học ở cả khu tầng hầm vốn là phần móng xây nhô ra phía con dốc để đỡ lấy khối nhà phía trên, quá tối và chỉ cao quá đầu người lớn.
Bà Bùi Thị Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Xà Hồ cho biết: Điều kiện cơ sở vật chất nhà trường đang là vấn đề nan giải nhất hiện nay, không đáp ứng được và không thể bảo đảm tốt cho nhu cầu của học sinh. Bên cạnh đó, học sinh từ các điểm trường lẻ chuyển về thường phải đi xa thêm hàng chục cây số. Gia đình hầu hết đều thuộc diện khó khăn, mỗi cuối tuần nhiều em phải đi bộ 10-15 cây số để về nhà.
Em Hờ Thị May nhà ở thôn Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, là học sinh lớp 8B, trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Xà Hồ cho biết, từ khi chuyển xuống điểm trường chính em phải ở nội trú cùng các bạn, các bạn cùng chuyển về rất đông nên ở đây cũng khá chật chội. Quãng đường từ trường về nhà em cũng phải đi xa hơn nhiều, cuối tuần để về nhà, em phải đi bộ gần 20 cây số.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Pá Hu – một trong những trường có điều kiện khá thuận lợi của huyện Trạm Tấu, nhưng khi thực hiện đề án này cũng rơi vào tình cảnh “quá tải” tương tự như tại trường Xà Hồ. Sau khi sắp xếp lại, điểm trường chính của trường này tăng thêm gần 200 học sinh trong khi đó, cơ sở vật chất của nhà trường không được cải thiện bao nhiêu.
Cả trường Pá Hu hiện chỉ có 3 khu nhà vệ sinh nhỏ nhưng phải phục vụ cho nhu cầu của gần 500 học sinh nội trú và bán trú sinh hoạt hàng ngày. Mùa đông đã đến nhưng không có hệ thống nước nóng, khu vực sinh hoạt chung lại quá bất cập đang trở thành nỗi lo lớn của các thầy cô và học sinh nhà trường. Các phòng ở được cải tạo lại một cách gấp gáp nên rất chật chội, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của học sinh, nhất là đối với học sinh tiểu học. Với điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay sẽ không thể bảo đảm sinh hoạt và sức khoẻ của học sinh nhà trường.
Ông Trần Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Pá Hu cho biết: Chủ trương sắp xếp lại trường lớp có nhiều mặt tích cực, song cách thực hiện như hiện nay là nóng vội. Trường lớp, nhà ở, khu sinh hoạt chưa được xây dựng bảo đảm, đầy đủ mà một lượng lớn học sinh đã chuyển về gây quá tải và ảnh hưởng đến đời sống cũng như học tập của học sinh. Nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn sẽ giảm bớt được những khó khăn.
Bên cạnh những bất cập đang gặp phải do cơ sở vật chất không đáp ứng được yêu cầu, nhiều vấn đề xã hội cũng đang đặt ra mà có lẽ đề án cũng chưa đánh giá được đầy đủ, cần có sự quan tâm nhiều hơn, phải nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá kỹ lưỡng hơn. Đó là những tác động về tâm lý học sinh, vấn đề về giới, vấn đề bảo đảm an toàn cho học sinh ở lại nội trú…
Ông Cường chia sẻ: Học sinh tiểu học còn quá nhỏ, mới 6, 7 tuổi đã phải xa gia đình, xa bố mẹ, những ngày đầu tiên nhìn chúng khóc vì nhớ nhà, thương lắm. Các thầy cô giáo cũng có con cái nên từ lương tâm cảm thấy rất trăn trở. Chưa kể, địa hình ở miền núi rất nguy hiểm. Như tại trường Pá Hu, ngay phía dưới là công trình thủy điện đang xây dựng, học sinh thì quá đông, nên các thầy cô rất lo lắng.
Một trong những thách thức lớn khác đang đặt ra đối với đề án sắp xếp lại mạng lưới giáo dục của Yên Bái, cũng là bất cập cần khắc phục hiện nay chính là nguy cơ học sinh bỏ học có thể tái xuất hiện, nhất là đối với bậc học mầm non. Sau khi sắp xếp lại, nhiều phụ huynh phải đưa đón con đi học xa thêm 5-6 cây số. Cô Vũ Thị Thêm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Phượng, xã Pá Hu, huyện Trạm Tấu chia sẻ: Địa hình ở miền núi rất hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, những ngày mưa gió đường trơn trượt, phụ huynh sẵn sàng cho con nghỉ học ở nhà. Những ngày thời tiết không thuận lợi như thế, tỷ lệ học sinh tới lớp rất thấp.
Ông Phạm Mạnh Tưởng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết, việc thực hiện đề án sắp xếp lại quy mô trường lớp trên địa bàn huyện Trạm Tấu đang gặp phải những khó khăn nhất định, đặc biệt ở nhiều thôn, bản học sinh mầm non phải đi học xa hơn nhiều so với trước, trong khi các cháu không thể ở nội trú tại trường.
Huyện Trạm Tấu đang phải tính toán đề nghị mở lại các điểm trường lẻ ở một số thôn, bản. Bởi, theo Phòng Giáo dục huyện này, sau khi xoá lớp mầm non tại một số thôn như: Păng Dê (xã Bản Mù), Tà Chơ (xã Làng Nhì), Tà Cao (xã Tà Xi Láng), Kháu Chu (xã Bản Công), tỷ lệ chuyên cần đạt thấp và có nguy cơ học sinh bỏ học vì đường xá đi lại quá khó khăn, trong khi quãng đường đưa đón học sinh lại quá xa.
Để ghi nhận quan điểm chính thức của Sở Giáo dục và Đào tạo Yên Bái về quá trình thực hiện Đề án sắp xếp lại quy mô trường lớp trên địa bàn tỉnh Yên Bái, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã nhiều lần liên lạc, hẹn làm việc với lãnh đạo Sở này nhằm nắm bắt những đánh giá bước đầu, đặc biệt là về những bất cập đang bộc lộ, những giải pháp cần thực hiện ngay tháo gỡ khó khăn thời gian tới trong triển khai đề án để cung cấp thông tin tới độc giả. Song đã gần 1 tháng nay, lãnh đạo Sở này đều lấy lí do “bận họp”, không bố trí được thời gian để làm việc.