Bản Quy hoạch phát triển nhân lực đầu tiên của đất nước

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020 nhằm đảm bảo yêu cầu nhân lực thực hiện thành công sự nghiệp CNH – HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển nhanh những ngành, lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế so sánh quốc tế.

Đây là lần đầu tiên nước ta có một bản quy hoạch về phát triển nguồn nhân lực. Nhân dịp này, phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân (ảnh) về ý nghĩa, nội dung và các giải pháp đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong 10 năm tới.

Thưa Phó Thủ tướng, mới đây (22/7), Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1216/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Là người đã nêu ý tưởng từ rất sớm và tâm huyết với bài toán tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội từ khi còn ở cương vị Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, xin Phó Thủ tướng cho biết ý nghĩa của bản quy hoạch đầu tiên về phát triển nhân lực của đất nước?

Việc xây dựng quy hoạch nhân lực chúng ta chưa bao giờ làm, kể từ năm 1975 tới giờ. Xa hơn trước, có lẽ là từ năm 1961, khi chúng ta xây dựng kế hoạch phát triển KTXH 5 năm lần thứ nhất đã chưa tính đến việc dự báo nhu cầu nhân lực cụ thể cho các ngành và các địa phương. Chúng ta mới có quy hoạch về huy động vốn phát triển kinh tế do Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì tham mưu Chính phủ; Quy hoạch sử dụng đất do Bộ Tài nguyên Môi trường thực hiện là chính. Trong nhận thức, trong thói quen khi xây dựng chiến lược, lâu nay chúng ta chưa đề cập đến việc dự báo về nhu cầu nhân lực. Khi chúng tôi làm việc với địa phương, họ biết rất rõ cần bao nhiêu vốn và đất cho nhu cầu phát triển. Tại các khu vực đô thị thường quan tâm đến phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, giao thông; vùng núi, vùng đồng bằng quan tâm đến ngành nông nghiệp, khoáng sản... nhưng khi hỏi nhu cầu cần bao nhiêu nhân lực, trình độ gì cho mỗi ngành thì không ai biết cách tính cả.

Kỳ thi Olimpic Toán quốc tế (IMO) lần thứ 52 được tổ chức tại Amsterdam (Hà Lan) từ 16 đến 24/7/2011, đoàn Việt Nam có 6 học sinh tham dự và đoạt 6 huy chương Đồng. Trong ảnh (từ trái qua phải): Nguyễn Văn Quý, lớp 12 Trường THPT chuyên tỉnh Bắc Ninh; Nguyễn Văn Thế, lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định); Đỗ Kim Tuấn, lớp 12 Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam (Hà Nội); Nguyễn Thành Khang, lớp 12 Trường THPT chuyên Hùng Vương (Phú Thọ); Lê Hữu Phước, lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng); Võ Văn Huy, lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (Phú Yên). Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN


Đây là lần đầu tiên chúng ta có một bản quy hoạch về phát triển nhân lực, xác định nhu cầu nhân lực của chúng ta về mặt số lượng, chất lượng, về cơ cấu ngành nghề cho toàn bộ nền kinh tế và từng ngành kinh tế, từng địa phương, ví dụ cho y tế, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông... trong 10 năm tới. Trên cơ sở đó các tỉnh, các ngành xây dựng quy hoạch nhân lực cho đơn vị mình.

Với bản quy hoạch này, lần đầu tiên chúng ta có một bức tranh tổng thể, có đầu bài, có mục tiêu rõ ràng về đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế cả nước nói chung và từng ngành, từng địa phương nói riêng. Từ đó, ngành giáo dục đào tạo, dạy nghề và các ban, ngành phối hợp làm cho đào tạo nhân lực đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước. Đây là căn cứ để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, gắn bó cung và cầu trong đào tạo nhân lực.

Từ đầu bài này, toàn ngành giáo dục, dạy nghề mới chuyển động theo và lúc đó mới bố trí ngân sách đúng nhu cầu, mới kêu gọi được đầu tư, nhất là đầu tư của xã hội, của nước ngoài tham gia vào đào tạo nhân lực. Nhà đầu tư có thể xây dựng trường đại học, cao đẳng... nhưng khi hỏi đất nước ta cần bao nhiêu nhân lực, trình độ gì mà không trả lời được thì họ không yên tâm đầu tư. Khi biết được đầu bài, rõ nhu cầu rồi họ sẽ tham gia.

Từ Quy hoạch phát triển nhân lực, thời gian tới các ngành, các tỉnh, từng doanh nghiệp, từng cơ quan sẽ phải cụ thể hóa trong kế hoạch phát triển kinh tế, kế hoạch làm ăn... Ngoài vấn đề lo vốn, lo đất, các đơn vị sẽ phải lo xây dựng đội ngũ và phải cùng ngành giáo dục lo đào tạo nhân lực. Từ nay vấn đề nhân lực không phải là riêng của giáo dục và dạy nghề mà trước hết là việc của các bộ trưởng, các chủ tịch tỉnh, các giám đốc... Bản quy hoạch này có ý nghĩa tạo cơ chế toàn xã hội chăm lo giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực.

Có thể nói đúng vào lúc chúng ta chuẩn bị thông qua Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm của đất nước thì bản Quy hoạch phát triển nhân lực mà Thủ tướng phê duyệt là nền tảng rất quan trọng để triển khai đồng bộ, để phát triển nguồn nhân lực là khâu đột phá, làm cho nhân lực gắn với khoa học công nghệ là một giải pháp then chốt thực hiện thắng lợi các mục tiêu KTXH giai đoạn tới; góp phần chuyển đổi từ mô hình nặng về phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, phát triển dựa vào hiệu quả và lợi thế của đất nước Việt Nam là trí tuệ Việt Nam, con người Việt Nam.

Với bản quy hoạch vừa được phê duyệt này, thời gian tới, các bộ, ngành sẽ phải thực hiện các công việc cụ thể gì để xây dựng nguồn nhân lực có lợi thế cạnh tranh cho đất nước, thưa Phó Thủ tướng?

Ngay sau khi ban hành Quyết định 1216, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã hướng dẫn các bộ, các ngành phê duyệt quy hoạch phát triển nhân lực của chính đơn vị mình và coi đó là một giải pháp quan trọng, 1 trong 4 nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển ngành và KTXH cho các địa phương trong 10 năm tới.

Bộ Kế hoạch Đầu tư phải làm 3 việc: Hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực 10 năm của đơn vị mình; xây dựng hệ thống thông tin về nhân lực trên toàn quốc để từ đó theo dõi tình hình biến động nhân lực giữa cung và cầu; ban hành tiêu chí để giám sát sự phát triển nhân lực trong cả nước (những việc này trong năm 2011 phải làm xong).

Với các bộ, ngành khác, Thủ tướng yêu cầu phải phê duyệt quy hoạch nhân lực của chính mình. Việc này có thể làm xong trong tháng 8 vì vừa qua khi chuẩn bị xây dựng bản quy hoạch này, các cơ quan đã chuẩn bị tương đối kỹ. Các địa phương xem xét lại kế hoạch phát triển KTXH 5 năm của mình và đưa vào đó cấu phần kế hoạch phát triển nhân lực 5 năm để làm cho kế hoạch phát triển KTXH mang tính khả thi cao, dự kiến hoàn tất vào tháng 9 hoặc tháng 10.

Ngành giáo dục đào tạo và dạy nghề căn cứ vào quy hoạch nhân lực này xây dựng và phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng, đại học, dạy nghề cả nước và trình Chính phủ chiến lược phát triển giáo dục đào tạo và dạy nghề (dự kiến trong tháng 8).

Xin trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

Hoàng Hoa (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN