Đều đặn mỗi ngày, bà giáo Hồ Hương Nam 82 tuổi (phường Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) lại đến lớp học tình thương với học trò là những em khuyết tật, câm điếc, thiểu năng trí tuệ. Có những em 17 năm nay vẫn chỉ dừng ở học đọc, học viết.Bà giáo Hồ Hương Nam căn dặn học sinh. |
Lớp học không bảng, phấnLớp học tình thương của bà giáo già Hồ Hương Nam không có bảng và phấn viết như một lớp học thông thường. Thay vì thế, bà giáo đi đến từng bàn, kèm từng em một, vỗ về động viên để học trò viết đúng bài.
Bà Nam chia sẻ: “Dạy cho trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ nếu dùng bảng như lớp học thông thường thì các em khó tập trung. Tôi đã từng dạy thử, nhưng thấy không hiệu quả, nên không dùng nữa. Việc dạy cho trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, bị bệnh down cần phương pháp riêng. Do đặc thù của bệnh, những em này thường rất hay cáu, cục tính, nhưng sống rất tình cảm. Do đó, phải dùng tình thương để cảm hóa, lớp học này vì thế mới có tên là lớp học tình thương”.
Lớp học tình thương nằm trong khuôn viên của trường THCS An Dương, có 18 em khuyết tật độ tuổi từ 8 đến 34 tuổi theo học, với nhiều dạng khuyết tật. Chính vì vậy, bà Nam phân trình độ học sinh theo từng bàn và mỗi bàn lại áp dụng phương pháp dạy riêng.
Lớp học chủ yếu chỉ học viết, đánh vần và những phép tính đơn giản. Có học sinh học trước quên sau, viết nguệch ngoạc nên cách dạy cũng phải từ từ, có khi cả tháng chỉ học viết chữ O, cộng trừ đơn giản. Bà Nam chủ yếu dạy môn tiếng Việt và Toán để các em có tri thức cơ bản tự giúp bản thân và gia đình.
“Tâm lý trẻ khuyết tật là rất tự ti, nên giờ ra chơi ít ra ngoài, chính vì vậy, giữa giờ tôi thường mở nhạc về quê hương, đất nước để các em thư thái. Bên cạnh đó, trường THCS An Dương cũng quan tâm và được định hướng, nên các em học sinh ở đây khá hòa đồng với các em khuyết tật của lớp học”, bà Nam tâm sự.
Để động viên học sinh trong lớp, vào thứ 6 hàng tuần, bà Nam thường mua khi thì bánh mỳ, bim bim cho các em. Đó là món quà nhỏ, nhưng các em rất háo hức.
“Các em khuyết tật sống rất tình cảm, sáng nay tôi kêu đau lưng, một em đã chạy lên đấm lưng. Kỷ niệm đáng nhớ nhất là cách đây 2 năm, vào ngày 20/11, khi tôi vào lớp, cả lớp ùa lên tặng tôi 1 bông hoa. Tôi hỏi lấy tiền đâu mua hoa, các em bảo dành tiền ăn sáng khiến tôi ứa nước mắt. Dù chỉ là một bông hoa nhưng với tôi thật ý nghĩa”, bà Nam tâm sự.
Bà Hồ Hương Nam là 1 trong 10 gương mặt được UBND thành phố Hà Nội biểu dương và tặng thưởng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2014 vào tại lễ kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô 10/10. |
Ông Lương Văn Ba, bố của cháu Lương Hồng Dương (34 tuổi, bị bại liệt và thiểu năng trí tuệ) trong lúc chờ đón con chia sẻ: “Con tôi học bà giáo Nam khoảng 15 năm nay. Cháu cũng đã biết viết, nói ê a, nhưng quan trọng cháu hòa nhập với cộng đồng, khi đi học, tâm tính cháu ôn hòa hơn và sống rất tình cảm. Có lẽ đó là những gì bà giáo Nam đã dạy. Chính vì vậy, dù vất vả nhưng ngày nào tôi cũng đưa con đến lớp. Lớp bà giáo dạy rất đều từ 8 giờ đến 10 giờ các ngày trong tuần”.
Giờ mọi người hết bảo lẩm cẩm rồiBà Nam cho biết: “Tôi là người Huế và tập kết ra Bắc năm 1954, khi đất nước bị chia cắt thành hai miền Bắc - Nam. Học 2 năm, sau đó tôi được cử vào Quảng Bình dạy học rồi theo chồng ra Hà Nội làm giáo viên tiểu học”.
Năm 1979, bà Nam nghỉ hưu và tham gia làm cộng tác viên dân số ở phường Yên Phụ. Khi đi tiếp xúc với người dân trong khu phố, thấy xót xa với những cảnh đời trẻ em khuyết tật không được học hành, bị sống tách biệt với cộng đồng. Bà Nam ấp ủ ý định mở một lớp học tình thương.
Đến tận năm 1997, lớp học mới chính thức ra đời. Khi mở lớp, bà gặp nhiều khó khăn do những gia đình có trẻ khuyết tật đến vận động bị xua đuổi, nghi ngờ. Khi thấy bà dạy miễn phí họ bảo lẩm cẩm, nhà nghèo không lo làm ăn mà lại đi dạy dỗ trẻ khuyết tật.
Bà giáo Hồ Hương Nam hướng dẫn học sinh Đỗ Kim Thúy, đã học 17 năm lớp học tình thương này. |
“Tôi đã vận động gia đình các cháu học thử rồi tự đánh giá hiệu quả. Ban đầu, lớp chỉ có 2 cháu và mượn địa điểm nhà văn hóa. Qua một tháng dạy thử, tâm tính các cháu có thay đổi, nên các gia đình cho theo học lâu dài. Nhưng được 2 năm thì nhà văn hóa xây dựng, lớp học lại xin chuyển đến nhà trẻ, tiểu học. Phòng học ở đó thấp nên mưa to tôi lại hì hụi tát nước.
Đến năm 2002, cô hiệu trường trường THCS An Dương thấy vậy đã đề nghị tôi chuyển về trường và bố trí một phòng học rộng khoảng 12 m2 làm chỗ dạy học. Nhờ đó mà lớp học tình thương duy trì đến giờ, lớp học từ 6 cháu giờ lên đến 18 cháu, trong đó có 12 cháu sống trên địa bàn phường; còn 6 cháu ở các phường khác, trong đó xa nhất là cháu ở Cổ Nhuế. Gần đây lớp có trẻ câm điếc, nên tôi đến một trung tâm ở Thanh Xuân học lớp ngôn ngữ ký hiệu để về giao tiếp được với cháu”, bà Nam chia sẻ.
Sau gần 17 năm mở lớp tình thương, bà Hồ Hương Nam đã dạy cho khoảng 30 cháu, nhiều em từ chỗ không biết chữ đã biết đọc, biết viết, tìm được việc làm, lập gia đình…
“Đó là hạnh phúc nhất đối với tôi. Điều tôi mong muốn nhất là xã hội hãy rộng lòng với những trẻ em khuyết tật và mong rằng có nhiều lớp tình thương để các em có khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn được hòa nhập cộng đồng”, bà Nam chia sẻ.
Trong khi nhiều nhà trường còn lạm thu, tận thu bằng nhiều cách, thì lớp học tình thương của bà giáo già Hồ Hương Nam lại miễn phí mọi thứ là điều khiến nhiều người phải suy nghĩ. Hình ảnh bà giáo già 82 tuổi vẫn hàng ngày đến lớp dạy cho những trẻ em khuyết tật, khó khăn thật đáng trân trọng.
Bài và ảnh: Xuân Minh